Image
Kính chào quý khách đến
bảo tàng cải lương Nam Bộ

Tiếng Trống Mê Linh

Tiếng Trống Mê Linh

Đoàn cải lương Thanh Minh (1976)

Giai đoạn lịch sử: Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán, năm 40


“Sắt son một dạ đền ơn nước
Muôn dặm đường trường vó ngựa tung,
Gươm báu khắc sâu lời nguyện ước
Quên mình rửa sạch mối thù chung.”


[Nhạc nền đoạn giới thiệu mở đầu: điệu Cao Phi]
Nhóm kịch tác gia Trương Minh
sáng tác
Theo kịch bản Trưng Vương của Việt Dung.
Đạo diễn: Ngô Y Linh
Điều hợp trình diễn: Hà Duy
Họa sĩ: Lương Đống
Biên đạo múa và âm nhạc: Văn Khánh
Y trang: Tám Trống
Dàn nhạc Văn Khánh.
Tân nhạc: Lục Tích Hồng, Trần Văn Mùi, Đỗ Văn Ba, Phan Thành Nhàn, Lê Hiếu Đức.
Cổ nhạc: Phạm Văn Phụng, Trần Văn Trôn, Võ Phú Hạo.
Phân vai nghệ sĩ:
Thanh Nga : Trưng Trắc
Hà Mỹ Xuân: Trưng Nhị
Kim Hương: Nàng Tía
Ngọc Nuôi: Lê Chân
Bích Sơn: Thánh Thiên
Thanh Sang: Thi Sách
Văn Ngà: Tô Định
Hoàng Giang: Tào Uyên
Hùng Minh: Mã Tắc
Bảo Quốc: Chương Hầu
Quốc Nhĩ : Đông Bảng
Ba Xây: Đô Trinh

và toàn thể nam nữ diễn viên trong các vai khác và màn ca múa.
Và một số diễn viên khác

Màn 1 – Giỗ Tổ Đền Hùng

Cảnh 1


Dân chúng tập trung trên núi Nghĩa Lĩnh, múa hát chờ đợi đến giờ nổi trống đồng làm lễ.
Đông Bảng cùng cụ Đô Trinh bước ra:


Đông Bảng: Nghe đây nghe đây, tất cả đồng bào hãy nghe đây nghe đây. Hôm nay là ngày giỗ tổ Hùng Vương, Thi tướng quân mời tất cả dân làng tề tựu trước đền Hùng, chờ đợi đến giờ nổi trống đồng làm lễ tế cáo cùng Quốc Tổ. Đồng bào hãy nghe đây nghe đây ...

Chương Hầu
(chạy ra): Nghe cái gì, nghe cái gì, nghe cái gì. tại sao các người dám tụ tập rầm rầm như vậy chớ? Hả.?

Cụ Đô Trinh: Có việc gì không gã Chương Hầu?


Trưng Nhị bước ra, đứng cạnh Đông Bảng.

Chương Hầu: Thái thú Tô Định đã ra nghiêm lệnh, cấm dân chúng tụ tập đông đảo, nếu người biết đó hả, mình hổng có yên đâu.

Đông Bảng: Nhưng dân ta không thể quên ngày giỗ Tổ được. Ông muốn yên thì hãy lánh mặt đi

Chương Hầu: Hừ, các người không sợ mất đầu à?

Trưng Nhị: Mất nước mới đáng sợ hơn chớ.

Chương Hầu: À, bà Trưng Nhị, Từ núi Nghĩa này đến chỗ đóng quân của đô úy Mã Tắc không xa lắm, hắn có thể đem cả giáp binh tới đây. Bà nên ra lệnh cho dân làng tản bớt đi

Trưng Nhị: Chị Trắc tôi đã nghĩ đến điều đó rồi, nhưng Đông Bảng hãy hỏi lại ý của mọi người cho Chương Hầu thấy rõ.


Đông Bảng: Hỡi đồng bào hãy nghe đây, hôm nay chúng ta tụ hội về đền Hùng để làm lễ giỗ Tổ, có thể bị giặc bắt, vậy đồng bào nghĩ thế nào ?

Cụ Đô Trinh: Mất đầu cũng không sợ.

Mọi người đồng thanh: Mất đầu cũng không sợ.

Chương Hầu: Mất đầu lấy gì sợ ?

Trưng Nhị: Chương Hầu đã nghe rõ rồi chớ.
Bá tánh không sợ mất đầu vì họ không muốn làm người dân mất nước

[Xuân Tình, lớp 4 ?]
Nên tất cả đã vượt núi băng rừng
về giỗ tổ Hùng xây dựng non sông
tự ngàn xưa làm rạng rỡ giống nòi.
Cụ Đô Trinh tuổi già suy nhược
từ Long Biên cũng lặn lội đến nơi này.
Đông Bảng kia nằm đợi đã bao ngày.
Góp mặt sớm nhất lại là nàng Thánh Thiên.

Chương Hầu: Nhưng tôi mảng lo việc của Tô Định cùng Mã Tắc từng xuống lệnh truyền, cấm chúng dân tụ tập đông người,
nếu ai cãi lời thì sẽ bị thiệt thân.


Đông Bảng: Tô Định là thái thú, Mã Tắc là đô úy sang cai trị nước mình.
Lệnh của chúng là lệnh của sói lang,
thì tại sao lại bắt dân phải răm rắp thi hành?

Cụ Đô Trinh: Huống chi đây là tục lệ,

hàng năm dân chúng đến đền Hùng,
trước biết ơn người khai sáng sơn hà
sau muôn lòng quyết bảo vệ non sông.

Trưng Nhị: Chương Hầu!
Tất cả những người có mặt,
nào xá kể gông cùm kềm kẹp
một dạ tìm về đứng trên núi Nghĩa
ví như hình đàn voi trên dãi Phù đinh.
Chín mươi chín con cùng một hướng quay đầu,
chỉ một con phản là bị ém chết ngay.
Tích cũ gương xưa để lại rành rành,
Ai người có mắt nên lấy đó mà làm gương

Chương Hầu: Hừ, ta vầy mà so sánh với voi được à. Voi khác người khác chứ bộ. Quan quân cai trị còn khác hơn nữa, tôi lo là lo chúng sẽ làm cỏ cả vùng này.

 

Có tiếng vó ngựa, Thánh Thiên chạy vào.

Thánh Thiên:  Kìa chị, đội kị binh của Mã Tắc đang tiến hướng về núi này, em phi ngựa về đây cấp báo.

Chương Hầu: Đó, tôi nói có sai đâu, thấy hông, đô úy Mã Tắc đem quân tới đây mà. Ổng mà đem quân tới đây rồi đó nghe, gươm tuốt ra khỏi vỏ, chém chém chém chém ...

Đông Bảng: thôi

Chương Hầu: cái gì?
Đông Bảng: Ông sợ thì ông hãy lánh mặt đi, để dân chúng ở đây người ta đối phó

Chương Hầu: Lánh mặt thì phải lánh mặt rồi. Để ở đây đô úy Mã Tắc nhận diện được thì nguy à, phải tìm chỗ chốn chứ, ngu ..ở đây à ...


Nàng Tía (gánh rượu đi vào):

Ai mua rượu hôn? Ai mua rượu hôn?
[Đoạn này có âm hưởng của dân ca Bắc Bộ, có thể là phỏng theo điệu Trống Quân]
Rượu ngon này là rượu của đền Hùng
Rượu chưng mà sao xuyến rượu chung tình nồng

Chương Hầu: Xem sớt tình nồng cái gì, nguy tới nơi rồi, ra chỗ khác cho tôi đi coi Nàng Tía.

Nàng Tía: Khoan đã Chương Hầu, mời ông xơi rượu cái đã, uống rượu này gan nhỏ thành to, mật lưng thành mật đầy, xin mời, xin mời mà ...

Chương Hầu: Cám ơn, cám ơn, cám ơn, để khi khác, để khi khác.

(Chương Hầu chạy mất)

 

Nàng tía: ố, chương hầu
Trưng Nhị:  Em, thôi đừng đùa cợt nữa.

Nàng Tía: Dạ thưa chị, em làm cho Chương Hầu mắc cỡ bỏ đi xa để em tiện báo cáo mấy điều cơ mật

[Cặp đôi bài bản: Ngũ Điểm - Bài Tọa (tên đầy đủ: Ngũ Điểm Mai - Tọa Ngọc Lầu).Tuy nhiên trên các trang web hay gọi là: Ngũ Điểm - Bài Tạ]
Với gánh rượu này em len lỏi vào địch quân
Tìm biết chúng hiện đang bất đồng
Tào Uyên thì muốn an dân, trong khi Mã Tắc lại say máu người

Thánh Thiên:
Tin thêm là chúng tới nơi này,
nhằm thăm dò lực lượng chúng ta
rồi chúng sẽ ra tay diệt trừ

Trưng Nhị:
Tin tức thật là quý báu.
Ta mau vào trình với tướng quân
để người sắp đặt kế mưu,
bảo toàn nghĩa cả cho rạng danh đền Hùng.

Trưng Nhị: Cụ Đô Trinh và bà con chuẩn bị lễ giỗ Tổ, chúng tôi sẽ trở lại đây ngay.
Vâng.

Trưng Nhị: Đi em


Cụ Đô Trinh: Đồng bào hãy nghe đây, giặc sắp đến để ngăn trở không cho chúng ta làm lễ giỗ Tổ, chà đạp lên tập tục ngàn đời của chúng ta, dầu có phải chết, chúng ta cũng quyết ngăn không cho giặc được tự ý hoành hành.

Đông Bảng: Phải, nổi trống làm lễ ngay đi cụ!

 

Cảnh 2


Mã Tắc và Tào Uyên đem một toán quân Hán xông đến.

Mã Tắc:  Cận tướng.
Cận tướng: dạ

Mã Tắc:  đốt hết, chém hết cho ta!


Tào Uyên:  Đợi lệnh ta, đợi lệnh ta, đợi lệnh ta. Lui tất cả.


Mã đô úy, không nên, không nên.

Mã Tắc: Tào quân thừa, lúc ở tại bản doanh, ông cứ lải nhải lặp đi lặp lại câu nói ấy, bây giờ tới đây còn muốn cái gì?

Tào Uyên: Mã đô úy quên đây là đền thờ của Hùng Vương sao ?

Mã Tắc: Đền thờ của Hùng Vương thì sao? Ta bất cần. Đối với cái bọn Giao Chỉ này này, nếu ta không ra tay để chém giết chúng đi thì làm sao có thể trừng trị chúng được chứ?

Tào Uyên: Thiên triều đã chiếm được Giao Chỉ hàng trăm năm, sự chém giết không ngừng tay, mà càng chém giết bao nhiêu, chúng nó lại nổi lên chống lại bấy nhiêu. Theo tôi nghĩ, có thể ngồi ở trên mình ngựa lấy… cả thiên hạ, chứ không thể ngồi ở trên mình ngựa mà cai trị cả thiên hạ. Hứ. Đối với cái bọn man di này, phải ràng đầu nó như ràng đầu ngựa, buộc mũi nó như buộc mũi trâu, cứ ràng, cứ buộc như vậy là thượng sách.

Mã Tắc: Phải ràng buộc chúng?

Tào Uyên: Ừ.

Mã Tắc: Bằng cách nào?

Tào Uyên: Luật pháp của thiên triều có nhiều khi bén nhọn hơn gươm giáo. Nhưng ta đánh rắn á, ta phải đánh trên đầu của rắn.

Mã Tắc: Đánh rắn phải đánh trên đầu của rắn?


Tào Uyên và Mã Tắc cười nham hiểm.

Mã Tắc: Thi Sách đâu? Thi Sách đâu?

Chương Hầu: Dạ, dạ bẩm đô úy, Thi tướng quân đang ở trên miếu Tổ.

Mã Tắc: Báo với Thi Sách rằng có Mã đô úy đến!

Chương Hầu: Tuân lệnh.

Mã Tắc: Trong tất cả các người đây chỉ có một thằng đó biết nói thôi sao?

Cụ Đô Trinh: Khổng phu tử của quý quốc có nói: “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, gã Chương Hầu tiếp chuyện với ngài cũng là lẽ ấy thôi.
 Mã Tắc: Căm ngay, khốn nạn

Tào Uyên: Khoan
Thi tướng quân tới.  ( Thi Sách bước ra.)
Tào Uyên (nói nhỏ với Mã Tắc): Đó, nó đó.
Thi tướng quân tới. 
Thi Sách: Chẳng hay Tào quận thừa và Mã đô úy đem quân đến đây có việc chi chăng?

Mã Tắc: Ông Thi Sách đó à, ông có biết rằng là lịnh của thiên tử cấm không cho tụ tập đông người không? Tại sao ông lại không tuân lịnh?

Thi Sách: Giỗ tổ Hùng Vương là tục lệ ngàn đời, là dân Việt, chúng tôi không thể nào lãng quên được.

Mã Tắc: Là hạ nhân trước đó các ông phải nhớ, ở vào địa vị của các ông, lịnh của thiên triều là trên hết, biết chưa?

Thi Sách:
Mã đô úy, khuyên ông chớ nên đổ dầu vào lửa. Ở cương vị ông, nếu những người dân của quý quốc bị người ta bắt phải quên đi

[Ngựa Ô Bắc (Lý Ngựa Ô Bắc)]
Tổ tiên lăng miếu cõi bờ
sống trong kiếp sống tăm tối thú cầm
có thể nào cúi đầu mà chịu nhục hay không?

Mã Tắc: Thôi câm đi! hứ
Bọn của các ngươi quả thật là to gan
dám chống lệnh vua
lắm lời kiêu căng
Tổ tiên, cõi bờ, lăng miếu?
các ngươi dám chống lại lệnh của ta thì tội ấy khó dung tha.
Cận tướng! (Dạ)

Tào Uyên: (Khoan!)
Mã đô úy hãy nên bình tâm xét lại.
Tục lệ thờ cúng tổ tiên là tục lệ lâu đời của người Việt.
Tôi tưởng ngài cũng nên tha thứ,
để tỏ ra mình là độ lượng khoan hồng.

Mã Tắc: Tất cả nghe đây
Ta tha thứ cho một lần này, là lần thứ nhứt với các người
mà nên nhớ rằng đây là một lần sau chót, nghe chưa.

Tào Uyên: Tất cả nhớ nhé
Chúng ta mau quay gót trở về, vì trời đã xế chiều,
và ta còn điều bàn bạc ở trung dinh.

Mã Tắc: Khoan! Lệnh của thiên tử đã truyền, phải thâu hết đồ đồng, đồ sắt đem về Lạc Dương để xây cung điện, nhưng tại sao chiếc trống đồng này các người lại không nạp? Tại sao ?

Cụ Đô Trinh: Cả vùng này chỉ còn có một trống đồng, để tế trời đất, lễ tổ tiên, mà các ông cũng định tóm thâu hết à?


Tào Uyên (bước lên ngắm nghía chiếc trống đồng, rồi quay lại nói nhỏ với Mã Tắc): Trống đẹp thật, to thật, nó có khắc Chim Lạc biểu tượng của dân Nam vỗ cánh bay cao, chiếc thuyền lướt sóng hiểm nguy, Mặt Trời chói lòa ánh sáng. Đẹp!

Mã Tắc:  Cận tướng! Mang trống đồng về dinh cho ta!

Cụ Đô Trinh: Khoan! Không ai được động đến báu vật của chúng ta.

Mã Tắc:
( Cười) Tính mạng của các ông có giữ được không ?

Cụ Đô Trinh: Ta cần giữ trống chứ không cần giữ mạng.


Mã Tắc xông lên, Đông Bảng hô mọi người cản lại.

Đông Bảng: Tất cả anh em của chúng ta đâu?

Thi Sách: Mã đô úy. Ông lại nóng nảy nữa rồi. Đối với những người dân Việt chúng tôi, tại sao ông lại thích dùng gươm giáo vậy?

Mã Tắc: À, là tại ...

Thi Sách: Chiếc trống đồng này không phải chỉ là vật riêng của những người dân tụ họp ở đây không đâu.

Mã Tắc: Sao bây giờ các ông lại muốn làm loạn với ta?

Thi Sách: Loạn hay không là do nơi cách xử sự của ông.


Mã Tắc rút gươm, Tào Uyên cản lại: Khoan! Khoan khoan Chớ nóng, đừng nóng

Tào Uyên: Thi đại nhân! Ngài là một trang tuấn kiệt ở Châu Diên, lẽ nào không khu xử cho yên

[Mẫu Tầm Tử]
Có lý đâu để cho đáng tiếc cái chuyện này?
Tô thái thú có lòng mến ông,
nhiều lần phái tôi đến tận quý gia
tặng châu báu ngọc ngà,
tỏ lòng thân thiện

Thi Sách: Tôi xin cám ơn người,
Nhưng trống đồng là báu vật thiêng liêng của một quận Châu Diên.

Mã Tắc: Còn ta quyết chiếm đi cho bằng được,
Cận tướng đâu, mang trống đồng về dinh cho ta

Cụ Đô Trinh: (Khoan!)
Muốn khiêng trống đồng phải bước qua xác của ta

Thi Sách: Đô úy, hãy chờ tôi bàn lại với mọi người xem.

Mã Tắc: Không! Tôi muốn ông phải tuân lịnh đem trống đồng dâng nạp.
Bằng trái ý của ta thì các người sẽ toi mạng, và nơi này sẽ biến thành bình địa.

Thi Sách: Bình địa? ha ha ha ha ha ...

Thi Sách (bước lên dõng dạc):
Tổ tiên xưa khó nhọc, mới đúc nên trống đồng.
Gửi hồn thiêng đất nước, trong tiếng trống oai hùng.
Trống thúc trâu cày ruộng,
Trống gọi người đi săn,
Trống báo tin cướp dữ,
Trống xuống lệnh phải quên mình.

Cụ Đô Trinh: Đầu ta dù có rụng, vẫn quyết giữ trống đồng.


Đông Bảng: Giữ trống bằng sức mạnh, của đôi cánh tay này.

Nàng Tía: Giữ trống bằng đòn gánh, đập quân cướp tan thây.

Thánh Thiên: Giữ trống bằng tên sắt, cắm giữa ngực loài tham.

Trưng Nhị: Đánh cho chúng cuốn vó, dân mới được yên lành.

Mọi người đồng thanh: Đánh, đánh, đánh.

Mã Tắc: Thôi. Đánh đánh đánh cái gì? Hừ, các người muốn tạo ra điều sát máu à?

 

Có tiếng vó ngựa, Tô Định đến.
Mã Tắc và Tào Uyên Đồng thanh: Chào


Thi Sách: Kính chào Tô thái thú, rất tiếc là Tô thái thú đến gặp lúc chúng tôi đang tiến hành lễ Tổ, xin Tô thái thú hãy miễn thứ cho. Mã đô úy, thiết tưởng hồi nãy Mã đô úy cũng đã nghe chúng tôi nói rồi. Thưa bà con trăm họ, chúng ta quyết cử hành ngay lễ Tổ. Cụ Đô Trinh, mời cụ hãy nổi trống đồng tuyên thệ.

Cụ Đô Trinh: Tuân lịnh!

Mã Tắc: Bẩm thái thú, bọn họ ương ngạnh như thế là cùng, xin phép ngài cứ ra lệnh để cho tôi làm cỏ cả vùng này.


Cụ Đô Trinh vung tay định nổi trống, Trưng Trắc đi xuống, ngăn cụ Đô Trinh.
Trưng Trắc: Khoan,

xin cụ hãy chờ giây lát!

Mã Tắc
( cười): Ít ra cũng phải có một kẻ biết sợ oai trời như Thi phu nhân đây thì mới cứu sinh mạng cho cả vùng này chứ. Cận tướng, mang trống đồng về dinh cho ta!

Tô Định: Khoan! Tất cả đợi lệnh ta! Mã đô úy, khi có mặt ta nơi đây, chỉ có ta mới là người có quyền ra lịnh.

Mã Tắc: Tuân lịnh!

Tô Định: Thi tướng quân vừa rồi cãi lịnh của Mã đô úy, tụ tập nơi đây để tế lễ gì có phải không?
Thi Sách: Phải, vì dân chúng tôi không thể quên ngày giỗ Tổ được.

Trưng Trắc: Tô thái thú, Trắc tôi thường nghe nói, điều gì hợp với đạo lý dầu không ra lịnh người ta vẫn làm. Điều gì trái với đạo lý, dầu có ra lịnh, người ta vẫn không làm. Nay các ông cậy vào gươm sắc giáo dài để ngăn cấm tập tục ngàn đời của chúng dân là trái với đạo lý đó.

Tô Định Đạo lý? Đạo lý? ( Cười):  Đạo lý nằm ở trong tay của kẻ mạnh, lẽ nào Thi phu nhân cũng không hiểu điều đó hay sao?

Trưng Trắc: Hơn hai trăm năm trước, Tần Thủy Hoàng có lẽ cũng đã nghĩ như thế, xua năm mươi vạn quân xâm chiếm phương Nam, nhưng rồi cũng nếm mùi thảm bại

Tô Định: Cao kiến thay, nhưng có điều gì khiến cho Thi phu nhân không tin vào đạo lý của ta.

Trưng Trắc:
Chim cắt tuy bé nhưng có thể chống nổi con diều hâu lớn
Quả cân tuy nhỏ, cũng có thể nhấc bổng ngàn cân
Chim cắt quả cân đã biết thuận chiều đạo lý,
đó là chuyện dông dài phù phiếm, tưởng Tô thái thú ngài hỏi để làm chi?
Chúng tôi là tiểu quốc, các ngài là đại bang,
các ngài đã xua quân chiếm đóng đất này, thì các ngài phải nên lấy nghĩa nhân, mà đối xử với chúng tôi

[Đảo Ngũ Cung (Nam Đảo)]
Như thế mới mong không tức nước vỡ bờ.
Nhớ chuyện Hán đế ngày xưa
tranh nghiệp bá với Hạng vương
thường lo điều nghĩa nhân
nên thắng rất dễ dàng
chuyện ghi trong sách sử nước ngài
sao ngài không học lấy cho thông?

Tô Định: Sử ta đã chép những chương gươm sắc bao nhiêu ta thêm nhiều vô lượt.

Thi Sách: Phu nhân!
Đối với mối nhục nhường này,
Ta không thể phân phải trái được đâu.

Tào Uyên:Thi Sách! Tôi xin ông cần suy nghĩ thiệt hơn,
Nếu không máu dân nhuộm đỏ đền Hùng.

Mã Tắc: Giờ ta chỉ cần lấy trống đồng,
Các người có dâng nạp hay không?

Thi Sách kiên quyết: Không!

Trưng Trắc: Phu tướng ...

Mã Tắc: Cận tướng, tuốt gươm trần xông tới, nếu kẻ nào ngăn cản, chém!

Tô Định: Khoan! Tất cả đợi lịnh ta!
Cận tướng: Tuân lịnh
Tô Định
(nhìn quanh quan sát động thái của mọi người khắp một lượt rồi cười nham hiểm): Xin thành thật cáo lỗi, cáo lỗi. Bổn chức đây rất tôn trọng tập quán của quý quốc. Hạ tướng của bổn chức không biết nên mới phạm lỗi. Xin thành thật cáo lỗi, cáo lỗi. Bây giờ quý vị cứ tiến hành cuộc lễ ngay đi.

Mã Tắc: Bẩm thái thú, như thế này nghĩa là sao ?

Tô Định: Im! Không phải lúc nào cũng dùng vũ lực. Người đàn bà đó đáng cho nhà ngươi khiếp sợ đó. Truyền lịnh lui quân!

Tuân lịnh
Quân Hán lần lượt rút hết khỏi núi Nghĩa Lĩnh.

Tô Định: Cáo lỗi, cáo lỗi…. về….

 

 

Cảnh 3


Mọi người đứng im lặng phẫn uất.

Trưng Trắc: Phu tướng ...

Thi Sách: Tại sao nàng ngăn không cho nổi trống đồng? Tại sao nàng lại làm giảm khí thế quân ta chớ? Nàng hãy nhìn kìa, Đông Bảng, Đô Trinh, Trưng Nhị và Thánh Thiên, tất cả đều phẫn uất.


Đông Bảng: Thi phu nhân, nhà tôi đời đời sống bằng nghề lò rèn. Ba năm trước, chỉ vì rèn một con dao đi rừng để phòng thú dữ, cũng bị Mã Tắc khép tội và đóng dấu chữ vào trán này đây.

Trưng Trắc: Điều đó Trắc tôi được biết. Chúng đã dùng sắt đỏ in vào giữa trán. Đông Bảng đã nung sắt đỏ hơn để xóa dòng chữ ô nhục kia đi.


Đông Bảng: Lửa lòng tôi nóng hơn sắt đỏ,
Cho nên tôi không còn biết thịt da bỏng cháy.
Hàng chữ trên trán trở thành ám ảnh đêm ngày đẩy bước chân tôi

[Xuân Tình, lớp 4?]
Đi khắp nơi làm kẻ không nhà,
hằng mong quên được chuyện đau buồn,
của kẻ đã làm thân nô lệ
thế mà nào có được đâu.
Tôi đây sẵn sàng liều thân để chống giặc,
quyết không thể nào chịu nhục,
thì tại sao bà lại ngăn cản không cho?

Trưng Nhị: Hay là chị sợ e lo thế giặc,
và không tin tưởng lòng dân đang phẫn hận?

Thánh Thiên: Nếu việc nào cũng van xin nài nỉ,
thì còn gì là thể diện của người Nam?
Dầu cho ngày nay giữ được trống đồng,
thì nỗi nhục này còn nỗi nhục nào hơn?
Thi Sách: Thôi thôi dẫu có chê trách nhau cho lắm lời,
việc đã lỡ rồi thì nên nuốt nhục là hơn.

Trưng Trắc: Không!
Trắc tôi không phải là kẻ tham sanh qúy tử.
Việc sống thác của riêng mình đã gác bỏ từ lâu.
Nhưng sống hay chết cũng phải làm sao có lợi cho cả vạn dân Nam

[Nam Ai, lớp Mái]
Đang quằn quại giữa bọn xâm loàn.
Nhứt thời không nén được hờn căm
sẽ gây thảm họa đau lòng.
Giặc bạo tàn đã bủa vây
mà ta thì sức yếu cô đơn
chỉ một trận chiến khơi màn
là tan tác cả quê hương.
Chi bằng chúng ta nên nén dạ căm thù
Rồi lo tích thảo đồn lương
Giáo gươm quân sĩ luyện rèn,
chờ cơ hội để vùng lên.
Khi chưa dậy như rừng sâu gió lặng
khi vùng lên như biển cả sóng gào.
Toàn dân với sức mạnh căm thù,
lo gì không đuổi được xâm lăng.

Cụ Đô Trinh: Đúng, đúng lắm. Thi phu nhân quả có tài thao lược, chỉ một khoác tay ngăn không cho già này giục trống, là đã nắm cả một ý đồ trọng đại cho mai sau. Hay lắm.


Đông Bảng: Đông Bảng tôi xin tâm phục.

Trưng Trắc: Đông Bảng, nước đã mất thì tránh sao được nhục? Đông Bảng đã cho chúng ta hiểu sâu hơn điều đó. Biết nuốt hờn căm làm sức mạnh. Chính lúc này, xin nhớ lấy hờn căm!
Phu tướng, giờ đây ta hãy tế cáo với tổ tiên thề lấy máu mà rửa nhục.

Thi Sách: Phải! Phải tế cáo với tổ tiên thề lấy máu mà rửa nhục. Cụ Đô Trinh, mời cụ hãy giục trống đồng tuyên thệ.

Cụ Đô Trinh: Tuân lệnh!


Cụ Đô Trinh nổi trống đồng,
Trưng Trắc giương cao ngọn đuốc, tuyên thệ:

 
Hỡi đồng bào trăm họ
Giặc Đông Hán đang xéo dày đất nước
Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang?
Thà chết mà đứng thẳng,
Không cam chịu sống quỳ
Đất nước Nam cẩm tú
Người dân Nam anh hùng
Trước đền thờ Quốc Tổ
Thề hi sinh giết giặc cứu non sông.


Mọi người đồng thanh:
Giết giặc cứu non sông!
Cụ Đô Trinh: Xin Thề!

Mọi người đồng thanh:  Xin thề

 

 

 

Màn 2 – Trong Một Khu Rừng

Cảnh 1


Tào Uyên đứng chờ trong rừng, đi đi lại lại. Chương Hầu lò dò đi tới từ phía sau kêu dạ một tiếng, Tào Uyên bị bất ngờ, quay lại đụng phải Chương Hầu.

Chương Hầu: Dạ, bẩm quận thừa, kẻ hèn này không ngờ được gặp quận thừa tại đây.

Tào Uyên: Ông có phải là Chương Hầu không ?

Chương Hầu: Dạ, bẩm quận thừa, nó đó.


Chương Hầu cúi rạp sát đất vái Tào Uyên.

Tào Uyên: Ông làm như ông hông có xương sống vậy. Sao? Ông bảo rằng có điều cơ mật, muốn cần báo với ta, tại sao không thân hành đến trung dinh ta mà cấp báo, lại hẹn gặp chỗ này?

Chương Hầu: Dạ bẩm quận thừa, xin ngài tha tội, tôi sợ lân la đến dinh trung thì sẽ bị thám mã của Thi tướng quân nó để ý.

Tào Uyên: À à, được rồi. Những lời bộc trực của ông, cũng chứng tỏ ông có dạ trung thành với thiên triều. Ta tạm tha cho đó nghe ông.

Chương Hầu: Dạ, bẩm quận thừa, ngoài việc tận trung với thiên triều còn là lòng cảm phục của riêng tôi đối với ngài nữa chớ.

Tào Uyên:  Hả, ông cảm phục ta?

Chương Hầu: Dạ chẳng những cảm phục mà còn thương nữa.

Tào Uyên: Thương?

Chương Hầu: Thương lắm ạ, thương lắm.

Tào Uyên: Cám ơn! Nè, ở đời ai cũng ưa nịnh, nhưng nịnh vừa vừa vậy, nịnh quá coi hổng có vô.

Chương Hầu: Dạ, thiệt mà quận thừa. Tôi xin thề trước vong linh cả họ nhà tôi là tôi cảm phục ngài lắm, cho nên bất cứ cái chuyện gì tôi biết tôi đều tìm một mình ngài mà báo cho ngài biết. Dạ, tôi có chuyện này cơ mật lắm, dạ xin phép ngài.


Chương Hầu ghé tai Tào Uyên nói nhỏ một lúc

Chương Hầu: Bí mật lắm ngài, một mình tôi biết thôi ngài.

Tào Uyên: Đúng rồi, một mình ông biết là đúng rồi

Chương Hầu: Một mình thôi

Tào Uyên: Vì nãy giờ ta hổng nghe gì hết, ta chỉ nghe được mấy tiếng: xào xào, xọc xọc xọc xọc ….

Chương Hầu: Dạ, vậy thì tôi xin phép tôi được nói lớn. Dạ bẩm quận thừa, sau ngày giỗ tổ Hùng Vương, Bà Trưng tập hợp dân làng, luyện tập kiếm cung, tích thảo đồn lương ...

Tào Uyên ngắt lời: Chuyện đó ta biết rồi, ông không có chuyện khác để báo với ta sao?

Chương Hầu:
Dạ, dạ có chớ. Dạ tôi muốn nói là trong nhóm người muốn gây loạn kia

[Khốc Hoàng Thiên]
không có tôi trong đó.
Thú thật là tôi nhát còn hơn con thỏ.
Sau này có trừng trị chúng dân,
xin nhớ tôi, quan chừa.

Tào Uyên: (Nè!)
Nếu như ông muốn giữ cái mạng già,
thì phải nghe lời của ta.

Chương Hầu: (Dạ!)
Dạ nếu như quan trên đây thâu dụng,
thân này làm khuyển mã nó cũng vui

Tào Uyên:
Ngựa trâu ta đâu có thiếu gì,
chỉ cần ông làm nội ứng cho ta.

Chương Hầu: Nội ứng ( Chương Hầu nói nhỏ đệm theo)
Tin tức loạn quân như thế nào,
ông mau liền cấp báo chớ đơn sai.

Chương Hầu: Dạ, tưởng gì chứ chuyện đưa tin, báo tin tôi dư sức làm, dạ miễn là là ...

Tào Uyên: Im, bây giờ ông muốn đặt điều kiện hả? Muốn đặt điều kiện thì ngắt cái đầu để xuống đó rồi hãy nói.

Chương Hầu: Ngắt cái đầu để xuống đó, thì cái miệng nó hết nói rồi.

Tào Uyên: Thần khẩu nó hại xác phàm là cái chỗ đó đó.

 

Chương Hầu: Dạ

 

Tào Uyên: Ông có cái số làm tới quan đại thần, mà tại cái miệng ông nó kìm hãm cái số đó. Nếu không giữ, ta e có ngày ông mất mạng

Chương Hầu: Dạ bẩm quận thừa, ngài vừa nói là tôi có số làm tới quan đại thần.

Tào Uyên: Ờ, à hả, ờ …


Cả hai đứng cười nham nhở với nhau một lúc.

Tào Uyên: Ta cho ông biết, ta vốn là nhà địa lý tài ba mà hoàng đế phái ta qua phương Nam trấn áp những ngôi đất phát vương để ngăn ngừa hậu hoạn. Ta thấy ngôi mộ tổ phụ nhà ông đang nằm ở trong mạch phát tả bậc vân khôi.

Chương Hầu: Tả bậc vân khôi?

Tào Uyên: Ờ.

Chương Hầu: Vậy là tôi có số làm tới quan thừa tướng, trời ơi!

Tào Uyên: Nhưng cửa Đền Hùng án ngữ làm sao phát được. Muốn phát được phải triệt hạ Đền Hùng, họa may mới phát.

Chương Hầu: Triệt hạ đền Hùng?

Tào Uyên: Lẽ dĩ nhiên là nhà ngươi không bao giờ làm chuyện đó được.

 

Chương Hầu: Dạ dạ

 

Tào Uyên: Nè, nhưng hôm nay có binh của thiên triều rồi. lo gì cái chuyện đó không thành. Muốn thành sự thật, đến dinh trung ta giúp cho

Chương Hầu: Ngài giúp cho?

Tào Uyên : Ừ.

Chương Hầu: Dạ đội ơn ngài, vạn đội ơn ngài


Tào Uyên cười, vỗ đầu Chương Hầu rồi đi mất.

 

 

Cảnh 2


Chương Hầu khúm núm một lúc rồi đứng cười một mình:

Ta sẽ làm quan tể tướng, kẻ nào chạm tới tay ta thì … nát thây.
 

Từ xa vẳng lại tiếng rao rượu của nàng Tía:

Ai mua rượu ngon hôn?

Chương Hầu: Ngon thiệt không à ?


Nàng Tía: Ai mua rượu ngon hôn?


Nàng Tía đi đến, nhìn thấy Chương Hầu thì dừng lại.
Ai… mu..a..


Chương Hầu: Hừ, con nhỏ này sẽ nát thây.

Chương Hầu: rượu biểu coi rượu

Nàng Tía: Kìa Chương Hầu, bữa nay ông gọi rượu, chắc mật lưng muốn đầy, gan nhỏ muốn to phải không?

Chương Hầu: Hừ, đừng có ăn nói cái giọng trèo đèo,
Ông cho biết chỉ nay mai,

[Mẫu Tầm Tử]
Ông là phụ mẫu chi dân.
Lịnh của ông tất cả phải tuân hành,
nếu muốn được hưởng giàu sang phú quý,
phải dịu dàng ngon ngọt với ông,
nàng nhứt định chẳng có mất phần đâu.

Nàng Tía: (Nè) Rượu uống chưa mà ông có vẻ say,
hay mộng quan quyền làm cho ông ngất ngây?

Chương Hầu: hứ. Khi làm quan ta tuyển chọn nàng,
làm thứ thiếp nàng có chịu hay không?

Nàng Tía: Ông làm quan?

Chương Hầu: Ừ.

Nàng Tía: Ủa, mà ông này làm quan gì ớ há?

Chương Hầu: Để ta nhớ coi.

Nàng Tía: Ờ … , à, vậy là tôi biết rồi.

Chương Hầu: Biết rồi hả?

Nàng Tía: Dạ, em xin ra mắt ông quan đàng… chi địa.

Chương Hầu: Đừng có nói bậy, mặt này mà quan đàng chi địa hả?

Nàng Tía: Không phải hả?

Chương Hầu: Hừ hứ, ta sẽ là võ tướng.

Nàng Tía: Võ tướng?

Chương Hầu: Ừ.

Nàng Tía: Trời ơi, làm võ tướng gì đi cái tướng gì kì quá vậy, đâu có phải.

Chương Hầu: Tại sao nàng dám ăn nói trịch thượng với ta hoài vậy, hả?

Nàng Tía: Dạ, nếu mà ông làm võ tướng thì tài nghệ của ông cao lắm phải hông ?

Chương Hầu: Ồ, không cao, không thấp, mà ta sẵn sàng hạ những người yếu đuối.

Nàng Tía: Chà, hạ những người yếu đuối?

Chương Hầu: Vậy đó chắc ăn

Nàng Tía: Được rồi, vậy tôi là người yếu đuối đây, mời ông, ông dám thử tài hôn?

Chương Hầu: Nàng đòi thử tài với ta?

Nàng Tía: Chứ còn sao, ông dám không?

Chương Hầu: Sao lại không dám, đợi ta suy nghĩ chút xíu.

Nàng Tía: Được.


Chương Hầu lẩm bẩm một mình:

Đúng là thần khẩu hại xác phàm rồi, thử tài biết gì thử đây trời. Cái đòn gánh này mà nó đập chừng hai cái dám đi theo tả bậc văn khôi lắm à. Hừ, mà hổng được, hổng ra oai con nhỏ này nó hổng sợ. Mà ra oai rồi mình dám sợ hơn lắm à.

Chương Hầu: Chuẩn bị chưa?

Nàng Tía: Rồi.

Chương Hầu: Từ nãy giờ ta nhớ lại những miếng võ của ta từ kiếp trước, kiếp này ta đem ra sử dụng. Chuẩn bị. Thủ.

Nàng Tía: Trời đất ơi, làm võ tướng gì thủ miếng võ tầm thường quá vậy?

Chương Hầu: Bởi vậy nàng đâu biết gì là võ nghệ, miếng võ người ta công phu như vậy mà nàng cho là miếng võ tầm thường hả.

Nàng Tía: Chứ .. sao.

Chương Hầu: Miếng võ này nó không phải là miếng võ tầm thường, mà nó thuộc về miếng võ … tầm bậy. Hừ, tầm bậy mà nàng đừng coi thường nghe chưa, tầm bậy mà ta đánh nàng né dám hụt lắm à.


Chương Hầu bắt đầu “trổ tài”, vung tay vung chân được hai ba cái thì bị nàng Tía tát trúng má bên phải.

Chương Hầu: Ôi trời ơi!

Nàng Tía: Ơ, có sao hông ngài võ tướng?

Chương Hầu: Hừ, đánh một cái chát rồi hỏi có sao hông? Hổng có sao, mà ta sợ có trăng ớ.


Nàng Tía cười

Chương Hầu: Đừng có cười, đừng có mừng, nàng đánh trúng ta bên đây là tại nãy giờ ta hông chịu để ý. Bây giờ ta bắt đầu ta để ý bên đây.

Nàng Tía: Rồi sao?

Chương Hầu: Nàng có thể đánh trúng bên đây, nhưng mà điều còn lại.


Chương Hầu vung chân vung tay loạn xạ, bị nàng Tía lấy đòn gánh vụt cho mấy cái, Chương Hầu chạy mất.

 

Màn 3 – Rừng Núi Mê Linh

Cảnh 1



Rừng núi Mê Linh, Trưng Trắc một mình đứng ngắm trăng.
 
Trưng Trắc (ngâm): Trăng lên cao,  Núi lên cao.
Núi, trăng cùng một chí anh hào.
Trăng soi vách núi in hình kiếm,
Núi dựng vầng trăng khoác chiến bào.
Mây bay gió nổi,
Ta muốn theo trăng lên đỉnh núi,
ngời trông đất nước với trời cao.


Thi Sách bước tới khoác áo choàng cho Trưng Trắc

Trưng Trắc: Phu tướng.

Thi Sách: Phu nhân, đêm đã khuya, phu nhân chưa vào an nghỉ sao?

Trưng Trắc: Mãi nhìn trăng đối bóng, thiếp liên tưởng đến chàng, một thanh gươm yên ngựa vẫy vùng, chịu gian khổ để gieo mầm hạnh phúc.

Thi Sách: Hạnh phúc? Đứng giữa Mê Linh mà còn nghĩ tới hạnh phúc, chắc hẳn không phải là thứ hạnh phúc bé nhỏ tầm thường?
Ta về đây từ rừng núi Châu Diên,
cũng mang nặng một tình yêu tha thiết.

Trưng Trắc: Tình yêu ấy, một tình yêu bất diệt,
Yêu đồng bào, yêu tổ quốc, quê hương.
Lòng mãi lo hạnh phúc của toàn dân,
đâu dám nghĩ đến tình riêng nhỏ bé.

Thi Sách: Ta nhớ lại những đêm dài không ngủ,
nghe bên trời văng vẳng tiếng vạc kêu sương,
nhìn trăng khuya mà tấc dạ ngổn ngang, nguồn lửa hận nấu nung bầu nhiệt huyết.
Khắc hai chữ "Diệt Thù" trên kiếm thép,
quyết đạp bằng mọi chướng ngại phong ba.
Ruổi vó câu trên muôn dặm đường xa,
hầu báo đáp ơn nhà nợ nước.

Trưng Trắc
Trên muôn dặm quan hà chàng cất bước,
tay cầm tay, trăng in bóng chung đôi,
Rồi mai đây mỗi kẻ một kẻ một phương trời,
vui chiến đấu và cười trong gian khổ.
Phút ly biệt của tình chồng nghĩa vợ.
lời dặn dò hãy khắc cốt minh tâm.
Thù nào sâu hơn thù lũ xâm lăng?
Tình nào nặng hơn tình thương đất nước?

Thi Sách:
Phu nhân ơi đôi phen ta muốn nói với phu nhân bằng những tiếng nói thân yêu để bỏ nỗi cô đơn sau những ngày xa vắng.
Nhưng chợt nhớ quê hương đang đắm chìm trong lửa loạn nên những tiếng yêu đương bỗng thành ra muôn vạn tiếng căm…. hờn.

[Vọng Cổ, câu 4]
Từ độ quê hương quằn quại giữa điêu tàn,
Trước thảm trạng dầu sôi lửa đỏ, ta nghe lòng mình chan chứa vạn niềm thương. (SL)
Ta thương từng mảnh đất quê hương,
từng mái lá, khóm cây, ngọn cỏ.
thương vạn sanh linh đầu rơi máu đổ dưới gót xâm lăng tàn bạo của quân thù. (SL)

Trưng Trắc
(nói dặm): Thiếp còn nhớ, đêm nọ, trên đồi xa, dưới ánh trăng sáng tỏ, cụ Đô Trinh có bảo với thiếp rằng: "Cứ nhớ đến ngày giỗ tổ Hùng Vương, đêm đêm trằn trọc không tài nào nhắm mắt".

Thi Sách: Phu nhân

[Vọng Cổ, câu 5]
Phu nhân ơi ta đợi một ngày kia khi dãi đất Mê Linh góp từng hơi thở, để thổi bừng lên ngọn lửa căm thù.
Ngọn lửa đấu tranh giết sạch lũ tham tàn,
cởi ách nô vong, bứt xiềng nô lệ,
để hãnh diện là dân tộc Rồng Tiên. (SL)
Tiếng hát thanh bình vang dậy khắp non sông,
ngàn hoa thắm lại tươi cười trước gió,
trong tiếng chim ca của buổi bình minh rạng rỡ có tiếng đôi tim kể lể chuyện tâm tình. (SL)

Thi sách (nói dặm): Phu nhân! Nhưng khắp đất nước đang vùng lên để bứt phá xích xiềng nô lệ, thì .. cái vui của đôi vợ chồng son trẻ, sẽ là cái vui chung của toàn thể dân Nam.

Trưng Trắc: Phu quân dạy rất phải.

[Vọng Cổ, câu 6]
Ôi rừng núi Mê Linh hùng vĩ quá.
Núi trải mình đón đợi ánh trăng soi,
Nghe đâu đây nhạc suối rền vang như tiếng vọng của hồn thiêng sông núi.
Đường hành quân mịt mờ cát bụi,
rợp bóng tinh kỳ theo vó ngựa đường xa.
Bao giờ tắt lửa can qua,
trời Nam vang vọng khúc ca thanh bình. (SL)
Giờ ta gác lại bên mình tình cảm riêng tư,
để lắng nghe tiếng thét gọi lên đường,
Gái trai sôi máu căm hờn,
ánh thép chập chờn bên ánh lửa Mê Linh. (SL)

 

 

Cảnh 2


Đông Bảng phi ngựa tới.

Trưng Trắc: Ơ kìa, Đông Bảng.

Đông Bảng: Kính chào nhị vị chủ tướng.

Thi Sách: Đông Bảng, anh em Ở trong hang núi thế nào ?

Đông Bảng: Bẩm chủ tướng, anh em suốt ngày lo rèn gươm giáo.

Thi Sách: Được bao nhiêu rồi?

Đông Bảng: Bẩm, năm trăm thanh gươm và một ngàn ngọn giáo. Dân chúng quanh vùng còn bảo nhau, phá lưỡi cày đem vào hang núi để nghĩa quân rèn thêm.

Trưng Trắc: Phá lưỡi cày rèn gươm giáo thì lấy gì mà cày ruộng?

Đông Bảng: Chủ tướng khỏi phải lo đâu, họ đã hạ những cây lim già xuống lấy gỗ đẽo làm lưỡi cày, họ bảo, giết sạch bọn cướp nước đi, thứ gì cũng có, lo gì thiếu sắt thiếu muối nữa.

Thi Sách: Phải, cứ giết sạch bọn cướp nước, thứ gì cũng có.

Đông Bảng: Anh em còn nói: "Đói chịu được, rét chịu được, nhưng nhục mất nước không thể nào chịu được".

Trưng Trắc: Đói rét chịu được, nhưng nhục mất nước không thể nào chịu được, đó là đạo lý của dân tộc ta đời đời truyền lại.

Đông Bảng: Đêm nay tôi đường đột phi ngựa về đây là do anh em cử tôi đem về dâng lên nhị vị chủ tướng một đôi gươm báu này.


Thi Sách và Trưng Trắc rút gươm ra khỏi vỏ, nhìn dòng chữ khắc trên gươm.

Thi Sách: "Vị Quốc Vong Thân", gươm khắc lời tâm huyết

Trưng Trắc: "Vị Quốc Vong Thân", ánh sáng mờ nhựt nguyệt.

Thi Sách: Các nghĩa sĩ đã khắc những dòng chữ này vào gươm báu à ?

Đông Bảng: Bẩm chủ tướng, Thưở xưa vị thành hoàng làng tôi chính là người rèn roi cho Thánh Gióng đánh giặc Ân,  Nay chúng tôi nối nghiệp tiền nhân rèn đôi gươm báu khắc lời tâm huyết tự nguyện vì nước quên mình,

[Xàng Xê, lớp Hò]
Kính dâng lên lòng quyết tâm hiến thân cho đại nghĩa,
Lâu nay chúng ta cắn răng đợi chờ cơ hội.
Giặc thêm bạo tàn, giết người quá lắm khắp cả nơi nơi.

(Trưng Trắc: Điều đó Trắc tôi được biết.)

Đông Bảng: Xin chủ tướng phất cờ khởi nghĩa,
Để cứu dân lành thoát cảnh lầm than.
Chúng tôi nguyện đứng cùng người trải mật phơi gan,
Dẫu có nát thân hay thế nào cũng chẳng từ nan.

Thi Sách: (Phải). Chính ta cũng ngày đêm xót xa bầm gan tím ruột.
Những ý kiến của anh em góp vào làm cho ta càng thêm thấm thía hơn.
Đứng giữa trời sương thức suốt canh trường là tính chuyện khởi binh,
Giết sạch lũ xâm lăng cho muôn người được an cư lạc nghiệp.

Trưng Trắc: Nhưng phải làm sao cho trên dưới một lòng,
Như nhiều ngọn suối nhỏ tuôn dòng thành mạch sông to.
Như nhiều cây thành rừng sâu, bão bừng thêm sức mạnh,
Việc lớn mới thành, mới mong cứu được nước được dân.

Đông Bảng: Chủ tướng nói phải, nhưng mà suốt năm rồi anh em chúng tôi cứ sốt ruột chờ đợi mãi.

Trưng Trắc: Sớm muộn gì cũng sẽ có hịch truyền trong mùa xuân này.

Đông Bảng: Trong mùa xuân này! Trời ơi thật thỏa lòng, tất cả anh em chúng tôi đều mong ước.

Thi Sách: Phu nhân, để gấp rút hoàn thành việc lớn, ta muốn cùng Đông Bảng trở lại Châu Diên, để đích thân đốc thúc anh em rèn gươm giáo.

Đông Bảng: Chủ tướng đi ngay Châu Diên à? Thế thì tốt lắm, xin chủ tướng cho tôi sửa soạn hành trang.


Thi Sách từ biệt Trưng Trắc.

Thi Sách: Phu nhân.

Trưng Trắc: Xin phu quân cứ dạy!

Thi Sách: Tình thế Châu Diên như dầu sôi lửa bỏng, ta chỉ sợ giáo gươm rèn chưa kịp đủ thì ta lại phải đương đầu với giặc rồi.

Trưng Trắc: Sức ta yếu nhưng lòng dân ta đang phẫn hận, lấy giáo thù giết giặc, ta sẽ lớn mạnh giữa phong ba, lo gì không đủ gươm giáo.

Thi Sách: Phu nhân nói phải. Nhưng nếu được tin từ núi Long sông Mã đem quân về tụ nghĩa, thì phu nhân hãy cấp báo đến Châu Diên, để ta kịp thời đem binh khởi nghĩa

Trưng Trắc: Thiếp xin ghi nhớ lời phu tướng.


Trưng Trắc cởi áo bào ra và khoác cho Thi Sách.

Trưng Trắc: Đường sương gió, chàng cần áo ấm hơn thiếp.

Thi Sách: Cảm ơn phu nhân đã lo lắng cho ta, và phu nhân cũng nên vào ngơi nghỉ, kẻo cảm lạnh vì núi rừng đêm.


Trưng Trắc (đưa một thanh gươm cho Thi Sách): Phu quân

Thi Sách
(cầm lấy thanh gươm): À,

Trưng Trắc: Phu quân đi đường nên cẩn trọng!

Thi Sách: (cười) Phu nhân, bao giờ phu nhân cũng nhắc ta câu đó cả.

Trưng Trắc
(ngâm): Phu quân!
Sắt son một dạ đền ơn nước,
Muôn dặm đường trường vó ngựa tung,

Thi Sách
(ngâm):
Gươm báu khắc sâu lời nguyện ước,
Quên mình rửa sạch mối thù chung.


[Mê Linh Biệt Khúc (Cao Xang Xim)]
Trưng Trắc : Trong giây phút chia tay,
Tim nguyện ghi lời thề

Thi Sách: Tuy xa nhau muôn dặm dài, như có nhau kề vai trong chinh chiến, Dẫu muôn đắng cay chi sờn

Trưng Trắc: Bầu trời Nam màu u tối,
Quân thù gieo bạo tàn,
Ta vui riêng đâu đành lòng, đem máu xương cùng muôn dân son sắt,
Nhớ nhau chớ quên câu thề.

Thi Sách: Đêm nay có xa nhau,
Cho ngày mai ta lại gần.

Trưng Trắc: Ôi trăng sao trên bầu trời, như sáng soi đường ra biên ải
Có em dõi theo chân chàng.

Thi Sách: Kìa hồn thiêng sông núi,
Nghe từ xa vọng về,
Ta chung lo ngăn giặc thù, mai mốt đây nhìn non sông tươi thắm,
Ngày về vinh quang.


Thi Sách và Trưng Trắc từ biệt, Thi Sách nói: "Tạm biệt phu nhân" rồi quay bước ra đi,

Ghi chú:
1. Điệu "Mê Linh Biệt Khúc" dựa trên giai điệu của bài dân ca Đài Loan: "A Lí Sơn đích Cô nương" (Thiếu nữ núi A Lí). Tuy nhiên, trái ngược với tiết tấu nhanh và vui của bài hát gốc, điệu Mê Linh Biệt Khúc có tiết tấu trầm buồn, hào hùng. Sau khi được trình diễn trong vở Tiếng Trống Mê Linh, điệu hát này dần dần trở nên phổ biến và được sử dụng trong một số vở cải lương khác, chủ yếu là để diễn tả cảnh chia tay, từ biệt.
Điệu Mê Linh Biệt Khúc còn có tên nữa là "Cao Xang Xim", tên gọi này bắt nguồn từ 3 chữ đầu tiên của bài hát gốc: "Cao sơn thanh, giản thủy lam, …", dịch ý: "Non cao xanh, khe nước biếc, …" (từ thanh ở đây nghĩa là màu xanh lục, từ lam ở đây có nghĩa là màu xanh lam).

 

 

Cảnh 3


Trưng Trắc đứng nhìn theo bóng Thi Sách. Từ xa vẳng lại tiếng rao rượu của nàng Tía.
Nàng Tía: Ai mua rượu hôn?, Ai mua rượu hôn? …


Trưng Trắc: Nàng Tía, nàng Tía đã quẳng gánh rượu đâu rồi, có việc chi quan trọng xem chừng em vội vã ?

Nàng Tía: Dạ, em về đây để báo cho chị biết, là Tô Định đi tuần thú sắp đến đây. Nhưng giữa Tô Định và Tào Uyên càng bất đồng ý kiến.

Trưng Trắc: Em hãy nói rõ hơn cho chị nghe đi.

Nàng Tía:  Dạ, Tô Định đi đến đâu đều đem theo đao phủ, bắt dân lành chém giết để thị uy. Còn Tào Uyên, Tào Uyên thì nêu gương cái răng hay gãy vì nó cứng, cái lưỡi sở dĩ còn vì nó mềm để chống lại. Dạ, rốt cuộc rồi đôi bên khinh nhau ra mặt. Tô Định chê Tào Uyên là hủ nho vô dụng, còn Tào Uyên thì miệt thị Tô Định là hạng người rất mực tham … lam

[Khốc Hoàng Thiên]
đụng gì cũng vơ vét,
không hiểu việc trị dân ngoài cõi.
Chúng không nhường nhịn lẫn nhau,
với ta có lợi vô cùng.

Trưng Trắc: Ta sẽ chú ý đến điểm này
nhằm làm yếu thế xâm lăng.

Nàng Tía: (Dạ,)  Mã Tắc hiện cùng Tô Định, hăm hở kéo tới Mê Linh,
chúng đi với dụng ý rõ ràng, thăm dò doanh trại chúng ta.
Vì tin, em phải báo kịp thời, Nên về mà thiếu rượu ngon.

Trưng Nhị: (Dạ,)  Em cũng có tin cần trình cho chị biết
tin từ núi Long sông Mã,
đến núi Độ sông Chu, do các nơi gởi về,
Nhật Nam, Cửu Chân đều một lòng,
yêu cầu pháp lịnh hưng binh.

Trưng Trắc: Chị cũng biết các nơi đều sôi sục,
Nhưng phải chờ Hợp Phố, Châu Diên
Và cả bên cánh Duyên Hà Bát Nàn liên lạc với ta.

Trưng Nhị: Người bên cánh ấy đã tới nơi rồi,
Đang chờ gặp chị ngay.

Trưng Trắc: À, cái thuyết này hay lắm, được rồi, chị sẽ đi gặp họ, em ở đây nhé!

 

Chương Hầu từ xa tất tả chạy đến, vừa chạy vừa kêu: không may rồi ...

Trưng Nhị: Chuyện gì vậy ông Chương Hầu?

Chương Hầu: Tôi từ Châu Diên tới đây thì ông Thi Sách lại về Châu Diên, uổng quá, ôi dân tình nhốn nháo lắm, nhốn nháo lắm.

Nàng Tía: Cái gì, ông nói cái gì? Không may rồi. Không may rồi. Dân chúng nhốn nháo hay là ông nhốn nháo đó?

Chương Hầu: Ờ thì cứ kể như là tôi nhốn nháo đi? Mới vừa rồi đây chúng vừa chém hàng trăm người trước cửa thành Châu Diên nè.

Trưng Nhị: Hàng trăm người bị giết à ?

Chương Hầu: Mà nghĩ cũng tại họ.

Nàng Tía: Sao? Ông nói làm sao? Họ bị giết mà tại họ hả? Ăn nói ngược ngạo như ông mà nghe được sao?

Chương Hầu: Nghe hổng được nói làm chi? Làm gì dữ vậy? Ai bảo chúng bắt phu đi đắp thành rồi bỏ trốn, chúng bắt được chém ngay, rồi cắm đầu vào cọc tre dựng ở hai bên đường để thị uy. Ngay đêm đó bọn họ lại lấy trộm đầu để đem đi chôn, sáng ra thấy mất chúng liền cho quân sĩ đi lùng sục khắp vùng.

Trưng Nhị: Có bắt được ai không?

Chương Hầu: Hàng trăm người nữa.

Nàng Tía: Coi ông đó.

Chương Hầu: Tôi làm sao?

Nàng Tía: Dân mình bị giặc bắt, chắc chắn dữ nhiều lành ít, mà ông kể lại bằng cái giọng tỉnh bơ như chuyện không có dây mơ rễ má gì tới mình, thì tim óc của ông để đâu chứ?


Chương Hầu chỉ tay vào ngực và lên đầu.

Nàng Tía: Nghe cái giọng điệu bàng quan của ông, chắc tôi tức ói máu chết mất. Hứ.

Nàng Tía đẩy ngã Chương Hầu rồi bước đi

Chương Hầu: Trời ơi, đàn bà con gái gì mà dữ quá! Bà Trưng Nhị …

Nàng Tía
quay lại: Ông nói cái gì đó? Ông nói cái gì? Ông nói cái gì?

Chương Hầu
ấp úng nói bừa: Tôi nói đàn bà con gái …giống phụ nữ quá.

Nàng Tía: Già không nên nết.

Chương Hầu: Có nết đâu mà nên, Tía.

Trưng Nhị:  Chương Hầu! Nàng Tía là người vui tính, dễ dãi đối với mọi người, nhưng rất quyết liệt với giặc. Nên không chịu nổi thái độ thờ ơ của ông trước thảm họa của dân.
Chỉ riêng một ngày qua,
[Xuân Tình, lớp   ?]
chúng nhẫn tâm giết hại bao người
thật không nghĩ tới lẽ trời
chúng ngang nhiên làm điều bạo ngược,
thì có lý nào dân ta, lại khoanh tay để chịu nhục?
Phải trừ hết loại rắn độc!
Thì dân mình mới khỏi phải thác oan.

Chương Hầu: Dạ thưa, bọn giặc tuy có ác độc
dân ta tuy lắm nhiều khổ cực,
nhưng trừ nó phải đâu là chuyện dễ
khác chi xuống biển mà bắt giao long
đem gậy tre mà chọi với giáp đồng,
chuyện không thành chỉ phí sức uổng công.

Trưng Nhị:  Nước ta có lời tục tương truyền,
tưởng là chấu ngã ai ngờ xe nghiêng.

Chương Hầu: Bà Trưng Nhị, Chim muốn bay cao thì phải có cánh dài xương cứng, sức ta như thế này, thử hỏi đánh bằng cách nào?

Trưng Nhị: Chỉ sợ không có lòng đánh giặc, chứ không sợ không có cách đánh.

Chương Hầu: hứ, Nay ai cũng thấy, quân của giặc mạnh như hổ dữ, gươm giáo của giặc nhiều như rừng tre, thành trì của giặc vững như núi đá. Không lượng sức mình mà cứ đánh liều, đem trứng chọi với đá thì cái thế vỡ lành đã rõ rồi.

Trưng Nhị: Mạnh không ở gươm sắc giáo dài, mạnh ở lòng người biết cùng nhau gắn bó.


Có tiếng vó ngựa từ xa vọng tới.

Chương Hầu: Gì nữa đây. Đó, đó, Tô thái thú đem cả đại binh đến đó, giỏi đánh thì đánh đi. Hứ

Chương Hầu chạy mất
Trưng Nhị : Chị


Trưng Trắc bước ra: Nhị em, em hãy cùng với Thánh Thiên ém các lộ quân lại, chớ nên vọng động đấy nhé.

Trưng Nhị: Tuân lệnh!

 

 

Cảnh 4


Tô Định và Mã Tắc cùng một toán quân Hán đi đến

Tô Định: Rừng núi Mê Linh hùng vĩ quá!

Trưng Trắc: Non nước tôi đâu đâu cũng là gấm vóc, Tô thái thú đến đây có điều gì truyền bảo chăng?

Tô Định: Nhân việc tuần thú ta mới đi ngang qua đây. Thi Sách đâu rồi?

Trưng Trắc: Phu quân tôi vừa đưa các gia nhân đi săn.

Tô Định: Đi săn à? Ở vùng nào? Hay là ở tận Châu Diên?

Trưng Trắc: Điều đó tôi không được rõ, vì sắp đến kì hạn nạp sừng tê, ngà voi, nếu không vào rừng sâu núi cao săn bắn, thì lấy gì mà phục mệnh với thiên triều?

Mã Tắc: Phục mệnh với thiên triều, ha ha ha ha ha.

Tô Định: Thi Sách là người biết kính trời sợ mạnh. Mùa xuân năm ngoái, để xảy ra việc tranh chấp trống đồng, tội đó đáng trách phạt. Nhưng sau đó, Thi Sách đã đem vàng bạc mà thay thế cho trống đồng, và tỏ lòng quy thuận thiên triều.  ha ha ha Ta cũng đã lấy độ bao dung mà tha cho cái tội đó,

Mã Tắc: Vì thế mọi người đều nhớ ơn đức của thái thú.

Tô Định: Cai trị là phải có ban ân, phải có ra uy, mọi sai phạm đều bị nghiêm trị.

Một tên quân Hán chạy vào: Dạ, bẩm ngài, chúng nó đã bỏ trốn hết rồi.

Mã Tắc: Ai bỏ trốn?

Tên quân: Dạ, mấy tên tử tội, thái thú mang theo để chém đầu thị uy.

Tô Định: Chúng nó đã bỏ trốn?

Tên quân: Chúng tôi bắt được lại vài tên.

Mã Tắc: Bất tài, vô dụng. Đi tìm kiếm lại cho mau, bằng không chiếc đầu của nhà ngươi sẽ thay vào, biết chưa.
Quân lính: Tuân lịnh
Tô Định: Không cần, Mã đô úy, đem những tên còn sót lại ra chém, đem đầu vào đây cho ta.

Trưng Trắc: Khoan! Trước khi chém, xin hỏi thái thú, những người đó có tội tình gì?

Tô Định: Ở cõi Giao Chỉ này, thiên triều đặt các chức quan trông coi về mọi việc. công tào thì lo việc bách nghệ, bạc tài thì lo về tiền tệ, thiết quan thì coi về sắt, diêm quan thì coi về muối. Đã có chính lệnh ban hành, thế mà cái lũ dân đen

[Mẫu Tầm Tử]
chống lại lệnh nộp ngà voi
lệnh ta ban ra, chúng chẳng có tuân hành,
tội nặng lắm, lại còn bỏ trốn
ta phải chém đầu cho chúng biết nó oai của ta chứ
luật nước mới nghiêm minh kìa.

Trưng Trắc:(Thái thú,) hình phạt e quá đáng chăng?
Trong khi dân lành chia sống khắp nơi nơi,
nhiều khi chưa nghe biết lịnh truyền,
mỗi lúc mỗi giết rồi ai ở với ông?

Trưng Trắc: Thái thú, xin ngài hãy tha mạng cho những người vô tội đó!

Tô Định: Thấy bà năn nỉ van xin, ta cũng muốn tha cho những tên tử tội đó. Nhưng, bà không có cái gì để đánh đổi mạng của chúng nó kia mà. Vậy đành chịu vậy thôi chứ. Mã đô úy ...

Trưng Trắc:  Chúng tôi có chiếc ngà voi quý, đem dâng nạp thế mạng cho họ được chăng?

Mã Tắc: Ngà voi?

 

Trưng Trắc: Vâng

 

Mã Tắc: Mang đến cho ta xem.

Trưng Trắc: Xin chờ giây lát.  (
Trưng Trắc đi vào.)

Tô Định đi quanh quan sát rồi nói với Mã Tắc: Mã đô úy, bọn Giao Chỉ này ngoài mặt thì phục tùng chúng ta, nhưng bên trong ngấm ngầm chống lại. Đối với cái bọn Giao Chỉ này, ta không nên khinh thường chúng nó nhé.

Mã Tắc: Bẩm thái thú, chúng nó là hạng đàn bà con trẻ, mắt không nhìn qua khỏi lỗ kim, chí của nó còn bé hơn sợi chỉ nữa. Không lẽ ta lại thua chúng nó sao?

Tô Định: Đừng khinh thường.


Trưng Trắc quay lại, theo sau là bốn người khiêng ra một chiếc ngà voi rất lớn. Trưng Nhị, Thánh Thiên cũng cùng bước ra.

Mã Tắc: xăm xoi chiếc ngà voi, cười lớn: Đẹp, đẹp, đẹp, đẹp lắm! Dạ bẩm thái thú, báu vật này ở trong hoàng cung của hoàng đế cũng không làm sao có được ngài ạ.

Trưng Trắc: Sao, các ngài vừa ý chứ?

Mã Tắc: Đẹp lắm, Thi phu nhân! Đẹp lắm, Thi phu nhân!


Mã Tắc ước lượng chiếc ngà rồi hỏi: Thi phu nhân, đây có phải là voi thần không?

Trưng Trắc: Không, đây là con ác thú giết hại nhân dân.

Tô Định:ha ha hà. Ác thú à? Sao ngà voi chỉ còn có một chiếc?

Trưng Trắc: Khi bị tên đồng xuyên óc, nó lao đầu vào vách đá quật gẫy mất một chiếc ngà.

Tô Định: Uổng quá! Ai đã bắn tên đồng xuyên qua óc voi?

Trưng Trắc: Lúc đó có nhiều người bắn nên không rõ là ai.

Tô Định: Tài bắn này sánh cùng Dưỡng Do Cơ nước Sở.

Trưng Nhị: Các ông không nhớ sao? Từ xưa người Việt đã thạo nghề cung nỏ, có những cây nỏ cứng, phải lấy chân đạp vào cánh mà bắn, mười mũi tên đồng cùng phóng ra trong một lúc, chính Triệu Đà của quý quốc đã phải khiếp sợ những cánh nỏ thần kì ở Loa Thành.

Mã Tắc: Bẩm thái thú, nghe đồn, dân Giao Chỉ còn có tài bắn chuyền tên cho nhau mỗi khi họ đi săn thú hết tên. Họ chuyền tên cho nhau bằng cách người sau bắn vào búi tóc của người trước.

Tô Định: Bắn vào búi tóc để chuyền tên cho nhau, đó là tuyệt kĩ của nghề cung nỏ đó. Thế nào, Thi phu nhân có thể trổ tài cho ta xem được chăng?

Trưng Trắc: Trắc tôi nào có tài cán chi đâu.

Tô Định: À, thì ra đó là những lời đồn nhảm thôi à? Mã đô úy, bắn vào búi tóc để truyền tên cho nhau đó là những lời đồn nhảm thôi. Mã đô úy có thể bắn vào búi tóc để truyền tên cho nhau được không?

Mã Tắc: Bẩm thái thú, tôi chưa hề bắn chuyền tên cho nhau bằng cách đó bao giờ, tôi chỉ biết bắn vào giữa sọ và giữa tim thôi. Một mũi tên của tôi vung ra thì có một thây người ngã gục.

Mã Tắc
cười lớn, nhìn quanh: Nào, tất cả các người ở đây, ai, ai dám thi bắn với ta, hử? Thi phu nhân, xin mời!

Trưng Trắc: Chúng tôi không thể nào bì với đô úy được:

Mã Tắc cười lớn.

Tô Định: Đừng sợ, Thi phu nhân, kìa, nhắm vào những trái chín ở trên cây kia mà bắn thì có ai chết đâu mà sợ Thi Phu nhân? Bắn đi chứ.

Mã Tắc: Bẩm thái thú, bọn họ như thế này mà không hiểu làm sao lại đi săn thú cho được.

Thánh Thiên
bước ra: Có tôi đây, tôi tuy bất tài nhất nơi đây, nhưng cũng xin bắn thi với đô úy.

Trưng Nhị: Khoan, chị trao cung tên cho em

Trưng Trắc: Nhị em, đừng háo thắng. Em đã nhắm kĩ mục tiêu chưa? Đã bắn thì phải trúng. Em hiểu chứ?

Trưng Nhị: Vâng, em hiểu.

Mã Tắc: Tốt lắm, này, hãy nhắm vào những trái chín ở trên cành cây kia mà bắn, bắn đi.

 

Trưng Nhị vờ bắn hụt


Mã Tắc: Bắn thêm 1 phát nữa đi


Trưng Nhị bắn cả 2 mũi tên đều trượt.

Mã Tắc: Lại trật nữa rồi, Trao cung tên cho ta.

Mã Tắc bắn liên tiếp 3 mũi tên đều trúng.

Tô Định: Thôi, bao nhiêu đó đủ rồi. Thi phu nhân, chúng ta đã hiểu tài với nhau nhiều quá rồi, Thi phu nhân. Mã đô úy, truyền lệnh khiêng ngà voi về dinh, thả những tên tử tội mà Thi phu nhân đã xin lúc nãy.

Mã Tắc: Cận tướng, lệnh truyền thả tất cả những tên tội phạm ấy ra! Mang ngà voi về dinh lập tức! Đi!

 

Cận tướng: Y lịnh.


Tô Định: (Cười)  Khi nào Thi Sách về, bảo đến Liên Lâu thành chờ lịnh ta nhé.

Trưng Trắc: Sớm muộn gì chúng tôi cũng sẽ đến thành Liên Lâu.

Tô Định: Chào Thi phu nhân.


Quân Hán rời khỏi Mê Linh.

 

Thánh Thiên (trách Trưng Nhị): Chị, chị Trắc không chịu trổ tài đã đành rồi. Còn chị, tại sao chị lại cố tình chị bắn trật Để cho chúng nó khi mình quá lắm.

Trưng Nhị: Chị, lúc nãy chị Trắc nói vậy mà chị không hiểu sao? Mục tiêu của ta không phải là những trái chín kia, mà là kẻ thù hiểm độc.
 
Trưng Trắc: Đúng. Khi hổ sắp vồ mồi, hổ thường thu mình lại. Ta cũng vậy, kế sách đã định rồi thì phải nên kín đáo, không để cho giặc biết được một mảy may.
Nén giận nhỏ để làm nên việc lớn,
vững tay chèo qua vực thẳm sông sâu,
lui một bước đuổi giặc thù vạn dặm,
dựng cơ đồ nước Việt dài lâu.


Có tiến vỗ tay và tiếng nói từ xa vọng lại: Hay lắm! Hay lắm!
Lê Chân bước vào

Lê Chân: Hay lắm! Ý chí đó và đức độ đó đáng được nêu lên bực chỉ huy, thật không uổng công Lê Chân bấy lâu ngưỡng mộ.

Trưng Trắc: Lê Chân. Trang nữ kiệt của vùng biển An Biên, đã từng làm cho quân thù khiếp sợ đây sao?

Trưng Nhị: Chị em tôi vẫn hằng mong đợi Lê Chân về tụ nghĩa.

Thánh Thiên: Có chị, đội ngũ nghĩa binh thêm lớn mạnh biết bao.

Lê Chân: Thưa các chị, tuy ở khác thôn nhưng chúng ta vẫn cùng một ý chí như nhau. Như đầu xuân thì đất trời mở hội khai hoa, như vào thu thì cỏ cây thay sắc lá.
Chị Trắc, từ xuân năm trước, em đã nghe hiệu trống đồng tập hợp nghĩa quân. Nhưng mãi đến hôm nay vẫn chưa có hịch dấy quân,
để muốn tham dự cuộc đổi đời như hoa lá vào xuân.

[Nam Xuân]
Sự đợi chờ, đã mỏi lòng trông,
giặc được thế hung hăng
gieo tang tóc cùng mọi nơi,
khiến con khóc cha, vợ phải xa chồng.
người chết mồ hoang mả lạnh,
người sống thì cực khổ bần hàn,
tất cả căm thù quyết đứng lên.

Thánh Thiên: Em đồng ý với Lê Chân,
xin chị mau ban hịch truyền
gom hết nỗi căm hờn, biến đổi thành thời cơ.

Trưng Nhị: Còn em cũng như hai chị
thà ra trận liều chết với địch quân
còn hơn âm thầm chịu đựng, mà lòng bứt rứt xót xa.


Lê Chân: Vì sao chị chưa truyền lịnh xuất binh?

Trưng Trắc: Kẻ thù lớn hơn ta gấp bội, Nhưng:
Nước Nam ta lưng dựa núi cao mắt nhìn biển rộng,
sẽ lớn nhanh như sức thần Phù Đổng,
như Tản Viên sừng sững trước phong ba,
gươm giáo quân thù sẽ nát vụn dưới chân ta.

Lê Chân: Nhưng đến bao giờ ta mới khởi quân?

Trưng Trắc: Sự có mặt của Lê Chân coi như tất cả đã hoàn thành. Các lộ quân Hợp Phố, Cửu Chân, Nhật Nam đều đã đến Mê Linh. Lương thảo nhiều nhưng còn thiếu giáo dài gươm bén, vì thế ta phải đợi cánh quân của Thi tướng quân và Đông Bảng.

 

Cảnh 5


Tiếng nàng Tía vọng từ xa: Không chờ được nữa, Không chờ được nữa ...

(Tiếp theo sẽ là 6 câu Vọng Cổ, lần lượt từ Câu 1 đến Câu 6)

Nàng Tía
(chạy vào): Chị, em vâng lệnh chị Trắc đi thám dõi Châu Diên, gần đến thành hạ thì được tin giặc tràn vào cướp phá.
Chúng đã giết người thây chất chồng như rạ,
Tiếng oán than vang động bốn phương trời.

[Vọng Cổ, câu 1]

Trưng Nhị: ( nói đệm) Hãy gởi gấp binh cứu diện
Thế binh như lửa cháy ngang mày,
vì quyết lòng cứu dân mà đoàn quân của Thi tướng quân phải sa vào vòng vây của giặc. (SL)
Chị Trắc, chị Trắc ơi,
quân ta thế cô sức yếu nên nhiều nghĩa sĩ đã hi sinh.
em e rằng Thi tướng quân, rồi đây một mình khó bề mà vượt thoát. (SL)

Đông Bảng: Chủ tướng.

Trưng Nhị: Đông Bảng đây còn Thi tướng quân đâu?

Đông Bảng: Bẩm chủ tướng thành Châu Diên đã mất.

[Vọng Cổ, câu 2]
Chủ tướng ơi Đông Bảng này tội đành muôn thác,
không bảo vệ được Thi tướng quân thoát khỏi cảnh cơ cầu.

Trưng Nhị:( Nói đệm):  sự thế ra sao?
Muôn sự xảy ra cũng tại Chương Hầu,
lão hèn nhát bị Tào Uyên mua chuộc, rồi nhẫn tâm về đốt trại dinh ta. (SL)
Giữa cơn lửa bốc cao Thi tướng quân tả xông hữu đột chém thù như rạ.
Nhưng chẳng may ngựa của ngài bị trúng tên ngã quỵ,
anh hùng mạt lộ đành bị sa cơ. (SL)

Trưng Nhị:
Bị sa vào tay giặc thì còn gì là Thi tướng quân, chủ tướng ...

Cụ Đô Trinh:
[Vọng Cổ, câu 3]
Nhưng giữa lúc sa cơ người còn dặn dò Đông Bảng gấp rút trở về truyền lệnh xuất binh.
Chúng tôi cố vượt vòng vây dưới bão đạn mưa tên, từng giọt máu rơi đều trên cỏ úa.
Tai còn văng vẳng những lời nhắn nhủ của Thi tướng quân. (SL)
Ôi tiếng người thét lên át cả tiếng quân reo,
giữa gươm giáo vang lên lời khẳng khái:
"Xin ai gác lại tình riêng
phất cờ nương tử tiến quân diệt thù
" (SL)

Lê Chân:
[Vọng Cổ, câu 4]
Kính thưa chủ tướng,
cùng là phận gái em hết sức cảm thông với chủ tướng,
một vai nặng gánh non sông, còn một vai nặng nợ ân tình.
Mê Linh hùng vĩ sẽ viết lên trang sử oai hùng.
Chủ tướng có thừa đảm lược,
sau lưng người thì có chúng tôi đây.
Kính thưa chủ tướng,
xin chủ tướng cứ mạnh dạn phất cao cờ nghĩa,
đánh cho quân thù tan xác.
biến tất cả rủi ro trong phút chốc (SL) trở thành cơ hội ngàn năm.
Nếu chẳng may Thi tướng quân phải hi sinh
thì thù hận ấy là ngọn lửa thiêng nấu nung lòng quyết tử của muôn vạn dân mình. (SL)

Thánh Thiên:
[Vọng Cổ, câu 5]
Thưa chủ tướng.
Thi tướng quân bị bắt, việc sống thác chúng ta còn chưa được rõ,
Nhưng Lê Chân đã nói, ta hãy xem đây là cơ hội dấy binh diệt thù.
Lòng dân khắp các châu cũng đều sôi sục lâu rồi,
Nay có hịch truyền của chủ tướng thì khắp miền sông núi toàn dân sẽ nhất tề mà đứng lên.
Nước Nam ta (SL) lưng dựa núi cao, mắt nhìn biển rộng,
sẽ lớn nhanh như sức thần Phù Đổng,
chỉ cần một hồi trống trận,
nước non ta sẽ sạch bóng quân thù. (SL)

Trưng Nhị:
[Vọng Cổ, câu 6]
Kính chủ tướng,
Chủ tướng đã đứng lặng uy nghi như bách tùng trước gió,
nhưng nỗi niềm riêng ai dấu được ai đâu.
Trong tình riêng và trong nghĩa cả sớt chia,
việc cứu người đâu dám để bận lòng chủ tướng,
Với tư cách của một nghĩa binh dưới trướng,
kính xin chủ tướng hãy ưng cho Nhị tôi lãnh trận tấn công đầu (SL).
Tôi xin một mình một ngựa đến Châu Diên để giải cứu cho người
để chủ tướng yên tâm bàn định kế mưu,
truyền hịch khởi binh, bảo toàn sự nghiệp của dân Nam (SL).


Trưng Trắc từ nãy giờ quay mặt lại, tựa tay vào thân cây, quay lại, bước lên đỡ Trưng Nhị, rồi uy nghiêm ra lệnh:

Trưng Trắc: Lê Chân.

Lê Chân: Lê Chân xin đợi lịnh.

Trưng Trắc: Lê Chân kiểm điểm chiến thuyền chờ xung trận!

Lê Chân: Tuân lịnh!

Trưng Trắc: Thánh Thiên.

Thánh Thiên: Xin đợi lịnh.

Trưng Trắc: Thánh Thiên lo việc vận lương!

Thánh Thiên: Tuân lịnh!

Trưng Trắc: Nàng Tía.

Nàng Tía: Xin đợi lịnh.

Trưng Trắc: Nàng Tía bám sát địch tình tại Liên Lâu!

Nàng Tía: Tuân lịnh!

Trưng Trắc: Trưng Nhị.

Trưng Nhị : Xin đợi lịnh.

Trưng Trắc: Trưng Nhị sẵn sàng cho đoàn voi xung trận!

Trưng Nhị: Tuân lịnh!

Trưng Trắc: Đông Bản lo gịch vết thương ở lại trung dinh!

Cụ Đô Trinh: Bẩm chủ tướng, chẳng lẽ già này vô dụng sao ?

Trưng Trắc: Toán nghĩa quân chuyên luyện môn vật vẫn cần cụ dìu dắt.

Cụ Đô Trinh: Xin tuân lịnh!

Trưng Trắc
vung tay hô lớn: Người người mau chuẩn bị gấp rút xuất quân!

Tất cả đồng thanh: Tuân lịnh!


Trưng Trắc cố gắng nghiêm trang đứng vững, chờ mọi người đi khỏi mới từ từ khụy xuống, khóc:
Phu quân!.   Phu quân ơi, thiếp thôi thúc ba quân cất bước,
hay thiếp ra lệnh cho chính mình mau bay đến với chàng?
Thềm đá, thềm đá sao mà giá lạnh!
Gốc thông sao mà cô đơn!

Trưng Trắc từ từ đứng lên, lau nước mắt:
Có lúc nào bằng lúc này,
tay chân thiếp bối rối rụng rời,
Chàng ơi, xin chàng hãy lau đi cho thiếp những giọt nước mắt đau thương yếu đuối!


Trưng Trắc chợt thay đổi sắc mặt, đang đau thương bỗng cứng rắn, nắm chặt tay, quắc mắt đầy căm giận:
Có lúc nào bằng lúc này!
Ruột gan thiếp bừng bừng lửa đốt.

Trưng Trắc cầm lấy thanh gươm:
Chàng, xin chàng hãy tiếp thêm sức mạnh,
để cánh tay này nắm chặt chuôi gươm!

Trưng Trắc tuốt gươm, vung cao:
Vị quốc vong thân!
Vị quốc vong thân!

 

 

Màn 4: Thành Cổ Loa

 

Cảnh 1   


Trưng Nhị và nghĩa quân đang luyện tập, Lê Chân đi tới.

Trưng Nhị: Kìa, Lê Chân đã về. Bãi tập!

Lê Chân: Chị Nhị, Bát Nàn vừa đưa tin đại thắng.

Trưng Nhị: Lại có tin thắng trận nữa à?

Lê Chân: Phải.


Trưng Nhị và Lê Chân ngồi xuống nói chuyện.

Lê Chân: Nè, càng ngày em càng phục chị Trắc, ý, mà quên, chủ tướng chứ.

Trưng Nhị: Coi, chị Trắc là chủ tướng, chủ tướng là chị Trắc, thì ở đây mình gọi là chị Trắc cũng được chứ có sao.

Lê Chân: Ờ thì chị Trắc, chị Trắc quả là một nữ nhi anh hùng!

Trưng Nhị: Coi chị đó, khen mà cũng bằng như chê chị em bạn gái chúng mình à. Chữ "anh hùng" là để ca tụng đàn ông con trai đảm lược tài ba. Còn bạn gái chúng mình nếu được vậy thì phải gọi là "anh thư ". Chứ tội gì gọi là anh hùng, rồi thêm hai chữ nữ nhi, cho đàn ông con trai họ được nước à?

Lê Chân:  Được tin thắng lợi dồn dập, cho nên mừng quá, em dùng lời không chính nữa.
Chị Trắc quả là một anh thư

[Xuân Tình? Lớp ?]
có một không hai.
Đã hạ trọn thành Đa Hy Cương,
đánh cho nát tan bọn giặc,
để rửa bớt hận cho đồng bào,

Trưng Nhị: Ta ra quân mới mấy trận,
mà đã dùng mưu chiếm lại
cả vùng đất thánh Mê Linh.
Rồi âm thầm đưa quân tiến tới
sát mặt quân thù mà chúng không hay.

Lê Chân: Có thắc mắc này em muốn nói chị nghe
Không hiểu sao chị Trắc truyền lệnh,
bảo em đem hết thuyền bè đến đây
rồi bảo em đem giấu gọn một nơi.

Trưng Nhị: Tiến thoái là bí mật quân cơ,
em nào dám hỏi han chi.
Tình chị em là một chuyện,
vận non nước thì phải đành rành
Với chủ tướng ta cần có niềm tin,
Là phấn khởi làm tròn nhiệm vụ

Lê Chân: Nghe chị bày em thấm thía hơn
như dẹc cả mây để thấy được trời,
như trẻ thơ trong vòng tay mẹ,
mà tự nhiên ta cảm thấy an toàn.

Trưng Trắc: Lê Chân sáng trí hơn đời,
lo gì không được thành công?


Trưng Trắc bước ra, Trưng Nhị và Lê Chân thi lễ: Chủ tướng

Trưng Trắc: Ở đây chỉ có mấy chị em, lễ mễ thái quá làm mất tình thân mật, huống chi ai lại không biết, Lê Chân là con giao long của trọn vùng biển An Biên.

Lê Chân: Cám ơn chủ tướng quá khen, nhưng ...

Trưng Trắc: Tài ngang dọc đó sẽ được tung hoành trên mặt sông Dâu, sông Đuống.

Lê Chân: Chủ tướng là người ngó mắt thấy tim, Lê Chân khỏi phải lo gì nữa.

Trưng Trắc: Ơ kìa, nàng Tía …

Nàng Tía
đi vào: Dạ, bẩm chủ tướng.

Trưng Trắc: Nàng Tía về đây mà không rao hàng, không gánh rượu, lại có vẻ mệt nhọc như thế này, chắc có việc chi quan trọng lắm phải không em?

Nàng Tía: Dạ, Tào, Tào Uyên …

Lê Chân: Tên mua chuộc Chương Hầu ...

Trưng Nhị: Tên đã bày mưu bắt Thi tướng quân, Tào Uyên đâu?

Trưng Trắc: Nhị em, thư thả đã. Nào, em đỡ mệt chưa? Hãy nói rõ cho chị nghe đi!

Nàng Tía: Dạ, trên đường thám dõi, em bỗng bắt gặp Tào Uyên, để bảo mật chỗ ém quân, em đã nhờ nghĩa quân bịt mắt Tào Uyên dẫn hắn đi vòng vo, để hắn không biết là chúng ta đang đóng sát thành Liên Lâu của chúng, vì vậy mà nãy giờ vẫn chưa đưa Tào Uyên đến đây hầu chủ tướng.

Trưng Trắc: Em làm như thế là đúng lắm. Như vậy là em đã bắt được Tào Uyên?

Nàng Tía: Thưa không, tự hắn dẫn xác tới. Hắn nói là có chuyện cần gặp chủ tướng.

Trưng Trắc: Tào Uyên đến là để dụ hàng, song,  chúng ta không thể không phòng bị được. Phiền Lê Chân hãy truyền báo khắp nơi nơi, giữ kín phong thanh đề phòng địch quân cướp trại.

Lê Chân: Tuân lịnh!

Trưng Trắc: Nhị em, hãy đưa Tào Uyên đến.

Trưng Nhị: Tuân lịnh!


 

Trưng Trắc (nói với nàng Tía): Còn em, em có việc gì hãy nên nói mau cho chị biết, vì em không thể ở đây để gặp mặt Tào Uyên.

Nàng Tía: Dạ, sau trận đại bại ở Mê Linh và Đa Hy Cương, Tô Định hạ lịnh bỏ những đồn lũy nhỏ, cố thủ Liên Lâu.

Trưng Trắc: Chúng đang chờ viện binh đó, trên núi Chè địch tình ra sao?

Nàng Tía: Tô Định chỉ cho đóng một đạo quân lớn chờ ngăn đón quân ta.

Trưng Trắc: Còn về mạn sông Dâu?

Nàng Tía: Mạn sông Dâu, mạn sông Dâu chỉ có một toán quân nhỏ.

Trưng Trắc: Thỉ ra, chúng xem sông Dâu như hào sâu khó thể vượt qua. Chúng đóng ngay bên bờ sông Dâu chứ?

Nàng Tía: Dạ, dạ không ...

Trưng Trắc: Tại sao em lại khóc?

Nàng Tía : Bẩm chủ tướng, bọn chúng đóng sát chân thành.
Nhưng, nhưng không phải vì thế mà dân trong vùng làm ăn yên ổn được,
bọn giặc thường ra cướp phá các làng, biến thôn trang thành đau thương tan tóc.
Những ngày vui như mở hội trước kia chỉ còn là kí ức trong những đêm sương dải mênh mông lành lạnh ánh trăng tàn.

[Vọng Cổ, câu 4]

Trưng Trắc: ( nói dặm) Thật tội nghiệp cho đời
Làng Dâu, làng Keo bị chúng đốt sạch nhà.
Chúng muốn đồng bào ta phải chạy vào Liên Lâu làm bia cho chúng
hoặc bỏ ruộng vườn mà lẩn tránh ra xa (SL)
Chúng cố làm cho có khoảng cách ngăn,
để ta mất thế dựa đồng bào tiến đánh chúng.
Ôi trăm cay ngàn đắng
qua mưu toan bảo vệ Liên Lâu thành (SL)

Trưng Trắc:
[Vọng Cổ, câu 6]
Hành động của chúng không làm ta lo ngại,
chỉ thương là thương cho muôn vạn dân lành.
Nhưng Liên Lâu thành đã xây bằng khối căm thù,
thì tự lửa căm thù sẽ đốt cháy tan sào huyệt giặc.
Từ Cổ Loa thành ngàn năm di hận,
ta gửi đến đồng bào lời thăm hỏi thân yêu.
Khi nào trời Mê Linh còn muôn vạn vì sao
thì còn muôn triệu con tim bừng máu hận,
vượt gian khổ quyết làm tròn sứ mạng
hận nước thù nhà trĩu nặng oằn vai. (SL)
Châu Diên trống thúc cờ bay,
Mê Linh rộn rịp đợi ngày xuất quân.
Gươm thề nguyền với non sông
đồng lòng em chị tiến công diệt thù. (SL)

 

 

Cảnh 2


Trưng Nhị báo: Sứ giặc tới.

(Nàng Tía đi ra).

Trưng Trắc: Hãy cho sứ giặc vào.

Nghĩa quân giải Tào Uyên vào, bắt Tào Uyên quỳ xuống.

Trưng Trắc: Mở mắt cho hắn!

Trưng Nhị: Nhà ngươi nhìn có biết ai đây không?

Tào Uyên: Thi phu nhân.

Trưng Nhị: Không, phải gọi là chủ tướng. Chủ tướng

Tào Uyên: Dạ dạ, chủ tướng, chủ tướng, chủ tướng, dạ dạ dạ ...

Tào Uyên: Trong khi hai nước đang giao tranh không chém sứ bao giờ.

Trưng Nhị: Láo! Dân Nam chống giặc ngoại xâm, chứ không phải là cuộc chiến tranh giữa hai nước. Ngươi là sứ giặc, chứ không phải là sứ giả.

Trưng Trắc: Nhị em, hãy để cho hắn nói rồi chém cũng chẳng muộn. Sao, Tào Uyên, nhà ngươi đến đây có điều gì cần gặp ta?

Tào Uyên: Dạ, thái thú tôi có thơ cho chủ tướng.

Trưng Trắc: Nhị em, đọc thơ cho chị nghe đi!

Trưng Nhị đọc: Thái thú Tô Định báo cho Trưng Trắc biết rằng, ngươi dám bạo thiên nghịch địa, khởi binh gây hấn, chống lại thiên triều. Nay Thi Sách chồng ngươi đã bị bắt giữ, sống chết trong tay ta. Nếu ngươi biết hối, bỏ giáo quy hàng, cúi đầu chịu mệnh, ta sẽ tha cho Thi Sách trở về, vợ chồng ngươi sẽ đoàn tụ, dân ngươi được sống yên vui. Nhược bằng ngươi cố ý làm càn, không chịu cởi giáp lai hàng thì binh trời sẽ thảo phạt, sống thác hai đàng, ngươi nên chọn một.


Trưng Nhị tức giận vất lá thư xuống đất.

Chọn 1, chọn 1…
Trưng Trắc: Tào Uyên!
Giỏi cho ngươi dám

[Khổng Minh Tọa Lầu]
tới quân môn, dùng lời xàm ngôn.

Tào Uyên: Xin xét rõ trước sau!

Trưng Trắc: Vậy ngươi phải trình tâu.
Chồng ta giờ sống chết ra sao?
Bị các ngươi giam giữ nơi đâu?

Tào Uyên: Cúi xin cùng chủ tướng,
hãy thương xót dân lành,
lấy những cái điều nhân nghĩa
cho đất nước khỏi điêu tàn.
Thi tướng quân hiện giờ ở trung dinh,
đã bằng lòng giải giáp lui binh.

Trưng Trắc: Hay cho ngươi dám đặt điều vô sỉ,
xúc phạm chồng ta,
Nghĩa quân! Chém đầu!
Tội tày trời không thể dung tha.

Tào Uyên: (Dạ khoan!)
Tào tôi đây mới rồi nói ngoa.
Thi tướng quân lâm nàn,
rất giữ gìn khí tiết làm điên đầu thái thú.
Nên bảo tôi đánh liều
tìm cho ra chủ tướng để cạn tỏ sự tình,
Mong đổi trắng thay đen,
tôi phân qua tùy lượng giết tha.

Trưng Trắc: Có vậy chứ, đứng lên, cho nhà ngươi ngồi.

Tào Uyên: Đội ơn chủ tướng.

Trưng Trắc: Tô Định muốn mượn tay nghĩa quân giết hại nhà ngươi, biết vậy mà ngươi vẫn đến là tại sao?

Tào Uyên: Vì tôi tin rằng chủ tướng không bao giờ giết tôi, vì chủ tướng hiểu rõ thâm ý của Tô Định.

Trưng Nhị: Ngươi muốn nói Tô Định sẽ giết Thi tướng quân để báo thù cho ngươi chăng?

Tào Uyên: Thưa không, nếu Tô Định mượn tay nghĩa quân giết tôi có lí đâu hắn định trả thù? Nhưng nếu tôi bị hại, Thi tướng quân cũng bị hại, lúc đó chủ tướng sẽ bị miệng của ba quân gièm sỉ là không tình đối với chồng, không nghĩa đối với chủ tướng cũ của mình.

Trưng Trắc: Biết vậy nên tha chết cho ngươi có sao đâu Nhưng chỉ ngại rằng Mã Tắc sẽ không tha cho ngươi.

Tào Uyên
(bật dậy, tự nhủ): Mã Tắc?

Trưng Nhị: Thưa chị, tin báo sứ vừa về cho biết chuyện chị xin được sắc phong với lời hứa sẽ triều cống thiên triều nhiều hơn số ngọc ngà mà Tô Định thâu nhiều mà nạp ít vẫn chưa được chấp thuận.

Trưng Trắc: Im đi, chuyện cơ mật.

Tào Uyên
(tự nhủ): Cơ mật ?

Trưng Trắc: Tào Uyên, dù cho bên chánh quốc sắp có thay đổi lớn, để cho Mã Tắc dễ dàng thế quyền Tô Định thì ta cũng quét sạch chúng ra khỏi cõi bờ. Nay ta tạm tha mạng sống cho ngươi, để ngươi trở về nói với Tô Định rằng nếu hắn muốn tránh bại vong thì phải thả Thi tướng quân ra, và rút binh mã lui về nước.

Trưng Nhị: Chị …

Trưng Trắc: Trời cao như lưới trời lồng lộng, sẽ có người giết hắn thay ta.

Tào Uyên
(tự nhủ): Mã Tắc?
Trưng Trắc: đi


Tào Uyên đứng lên nói "Kiếu từ chủ tướng", vừa định chạy đi thì bị một nghĩa quân gạt chân ngã nhào.


Tào Uyên: Trời ơi trời ơi trời,, ơi  chết tui.


Trưng Trắc: Một mình nhà ngươi không thoát khỏi nơi đây đâu. Nghĩa quân, bịt mắt hắn lại,

đưa hắn đi.

 

Nghĩa quân bịt mắt Tào Uyên, đưa đi

Trưng Nhị quát lên, đuổi theo : Không! Không!

Trưng Trắc
gọi lại: Nhị em …

Trưng Nhị: Khi gọi bằng chủ tướng, em thi hành phận sự của một nghĩa binh dưới trướng. Nhưng khi gọi chị bằng chị, trong tình chị em, em không hiểu  sao chị lại tha chết cho Tào Uyên?

Trưng Trắc: Bận việc quân cơ đã lâu ngày, chị em mình ít có dịp hàn huyên, chị cảm thấy thiếu sót với em, và không trọn lời dặn dò của mẹ trước lúc lâm chung.

Trưng Nhị
(khóc): Chị ...

Trưng Trắc: Cha mẹ ta đã qua đời, chị em ta phải nương nhau mà sống.

Trưng Nhị: Chị, nếu chị là hình, thì em là bóng liền nhau.
Chị là chị hiền, thì Thi tướng quân đối với em tình hơn ruột thịt.
Thế mà, nắm trong tay kẻ hại người ân nghĩa, chị tha đi là nghĩa làm sao?

Trưng Trắc: Em thắc mắc lắm phải không ?

Trưng Nhị: Phải. Bởi em muốn được trọn vẹn và trọn đời đời tôn thờ chị.

Trưng Trắc: Chị cám ơn em, chị cám ơn em đã giành cho chị tấm lòng kính mến đó, càng cám ơn em đã giữ trọn căm thù kẻ đã gia hại Thi tướng quân. Đổi là em, chị cũng thế thôi,
hay chị là một người khác thì Tào Uyên phải bị ăn tươi nuốt sống.
Chị sẽ lóc thịt kẻ thù giữa tiếng cười ngạo nghễ
lẫn trong tiếng gọi Thi tướng quân dưới suối lệ tuôn trào

[Vọng Cổ, câu 4]
Nhưng chị thả Tào Uyên có phải đâu là hành động sai lầm.
Đó là, chị muốn nuôi mầm chia rẽ,
gieo sự nghi ngờ trong hàng ngũ địch quân. (SL)
Và cũng để kéo dài sự sống của Thi tướng quân,
cùng giảm bớt phần nào xương máu
của đám nghĩa quân đang sẵn sàng chiến đấu,
trước làn tên mũi đạn của quân thù. (SL)

Trưng Nhị:
[Vọng Cổ, câu 5]
Chị, chị vẫn như thế sao? Chị vẫn thương em, thương chồng, mà còn nghĩ xa cả sinh mạng bao người như thế sao?
Trời em, vậy mà em, vừa hỏi mấy câu như bôi tro trát trấu vào người em yêu quý tôn thờ.
Ôi xấu hổ cho em, khi nghĩ rằng chị nặng lý hơn tình.
Em không dấu ý tưởng ngày thơ đã từng ghen với chị,
cho đến khi thấm biết đời chị sống cho em. (SL)
Nay vì một kẻ thù mà em lại vội quên đi tất cả.
nếu không được chị thiết tha bài giải, để lòng em giảm kính yêu thì tội nghiệp nào bằng. (SL)

Trưng Trắc:
[Vọng Cổ, câu 6]
Các bậc làm cha mẹ vẫn có thói quen không xem con mình lớn
thì dưới mắt chị, em vẫn còn trẻ dại ngây thơ.
Giờ này em đã hiểu chị hơn chưa ?
Khóc nữa đi em cho mắt ngời bóng nước,
và lồng ngực chị, vẫn là tấm khăn lau lệ cho đứa em yêu như tự bao giờ. (SL)

Trưng Nhị: Ôi, những hi sinh thắt se lòng chị giờ đây em mới tận tường.
Em có lỗi là không biết sớt chia với chị,
lại còn gây điều phiền toái không đâu. (SL)

Trưng Trắc: Thôi, em hãy vào nghỉ đi em!


 

Cảnh 3


Cụ Đô Trinh đi vào: Thật không thấy tình chị em nào thắm thiết như thế!

Trưng Trắc: Giờ này cụ Đô Trinh vẫn chưa .. .ngủ à?

Cụ Đô Trinh: Chủ tướng còn thức, già có việc muốn trình lên với chủ tướng. Dân làng Cổ Loa vừa mang đến tặng cho chủ tướng bình trà này và năm ngàn mũi tên đồng.

Trưng Trắc: Bình trà này và năm ngàn mũi tên đồng. Ôi quý hóa quá. Ta sắp tấn công giặc mà lại có thêm tên đồng. Giặc sẽ được nếm tài cung nỏ của dân ta.

Cụ Đô Trinh: Những vật này người xưa đã bỏ trong chum, chôn dưới đất, cách đây hai trăm năm, sau khi An Dương Vương thất thủ Loa thành

Trưng Trắc: Có thể bình trà đó là của An Dương Vương còn tên đồng này là của Cao Lỗ năm xưa, đã từng khiến cha con Triệu Đà khiếp sợ.

Cụ Đô Trinh: Và sau khi trao tặng bình trà, các bô lão cũng ngỏ lời tha thiết: "Người xưa thà vàng tan ngọc nát, chứ quyết không để cho giặc nó lợi dụng mảy may".

Trưng Trắc: Thà vàng tan ngọc nát, quyết không để cho giặc lợi dụng mảy may. Một nàng Mỵ Châu nặng tình chồng nghĩa vợ, để cơ đồ Thục Đế phải chìm sâu đáy giếng Cổ Loa này.

Cụ Đô Trinh: Xin mời chủ tướng
(rót trà mời Trưng Trắc): Chủ tướng, trà nhất thanh tâm, bình mang thương nhớ.

Cụ Đô Trinh và Trưng Trắc lặng lẽ uống trà.
[Nhạc dạo điệu Trăng Thu Dạ Khúc, lớp Thủ]

Cụ Đô Trinh: Giữa đêm khuya dưới vành trăng khuyết
Ta ngồi trên thềm đá của một cung điện từng vang bóng huy hoàng mà ôn cố tri tân.

[Ngựa Ô Nam (Lý Ngựa Ô Nam)]
Sự huy hoàng lẩn khuất đâu đây,
trong rêu phong tường đổ, trong cả nền đá lạnh đông trong.
Chủ tướng có nghe chăng?
Lớp lớp hồn xưa như chập chờn ẩn hiện,
đang réo gọi muôn vạn dân Lạc Hồng,
hãy vùng lên gìn giữ quê mình!
Và dường như nhắc nhở chúng ta
nhìn lấy gương Trọng Thủy – Mỵ Châu
nhẹ nợ nước mà nặng gánh ân tình,
vết nhơ ấy ngàn thưở lưu truyền.
Cố làm sao cho tâm hồn luôn luôn trỗi dậy,
để rồi đuổi giặc cứu quê hương.

Trưng Trắc:
Bao năm qua mũi tên đồng Cao Lỗ,
vẫn sắc nhọn căm hờn giữa lòng đất.
Nay đào lên trao lại nghĩa quân
sẽ qua lẫy nỏ xuyên vào tim giặc.
Đứng trên đất địa linh nhân kiệt,
Nguyện một lòng nối nghiệp Hùng Vương.

 

Thánh Thiên bước vào: Bẩm chủ tướng, nàng Tía vừa gửi về một bản đồ, chỉ đường đi từ Cổ Loa tới Liên Lâu thành.

Thánh Thiên trải bản đồ ra, Trưng Trắc và cụ Đô Trinh cùng xem.

Thánh Thiên: Dạ đây, đây là nền cung điện cũ của An Dương Vương. Đây là đầm Cả. Phía này là làng Dâu, làng Keo, và đây là làng Phù Đổng.

Trưng Trắc: Bản đồ chuyển về bằng cách nào?

Thánh Thiên: Một nghĩa binh đã mang theo dọc bờ sông Đuống, và cho biết là từ đó về đây không có một đồn giặc nào cả.

Trưng Trắc: Ta che dấu chiến thuyền nên chúng không phòng bị mặt sông.

Cụ Đô Trinh: Chủ tướng, nếu ta tấn công Liên Lâu e ngọc đá đều tan.

Thánh Thiên: Tấn công là phải tấn công rồi, nhưng cụ Đô Trinh lưu ý đến sự an toàn của Thi tướng quân là đúng lắm.

Cụ Đô Trinh: Muốn cứu Thi tướng quân thì phải có người bên trong làm nội ứng. Nếu chủ tướng thuận lòng, già này xin làm khổ nhục kế trá hàng.

Trưng Trắc: Cụ Đô Trinh, cụ vì nghĩa cả chẳng nệ hi sinh, Trắc tôi xin cảm tạ, nhưng kế sách đó không thể nào theo được.

Cụ Đô Trinh: Vì sao?

Trưng Trắc:  Nghe tin hàng giặc, nghĩa lớn đã mất, phu quân tôi sẽ tự sát chứ không bao giờ chịu nhục.

Cụ Đô Trinh: Trá hàng chứ không phải là đầu hàng

Trưng Trắc: Giặc sâu hiểm lắm, ta trá hàng mà không nộp khí giới tất chúng chẳng tin. Nộp khí giới, chưa chắc cứu được phu quân tôi mà chắc chắn rằng ba quân sẽ nao núng.

Thánh Thiên: Đúng, chỉ có đánh mới là thượng sách.
Nhưng chúng ta không thể nào.. không liệng chuột vì sợ bể đồ.
Vậy thì, ta phải nghĩ cách giết chuột như thế nào cho đồ khỏi hư,

[Phú Lục]
Thánh Thiên này xin giúp ý mọn,
ta cần một cánh quân dụ giặc
kéo thật nhiều ra chống cự với ta.
Còn ở mặt sau, ta cần một cánh quân
gồm toàn những người tinh thông
đánh úp thành cứu Thi tướng quân.

Cụ Đô Trinh: Ý đó thật tuyệt mỹ.
Xin chủ tướng thuận ưng,
già này xin tiến đánh cánh kì quân,
bám giặc không rời hầu thực hiện kế mưu.

Thánh Thiên: (Thưa cụ,)
việc đó là nhiệm vụ của tôi đây,
vì ý đó tôi đưa ra, và tôi là một gái anh thư.

Trưng Trắc: Nhị vị đều có lòng đoái tưởng đến Thi tướng quân, nhưng ở mặt trước nhử giặc hay ở mặt sau đánh úp thành đều quan trọng như nhau và cũng không kém phần nguy hiểm. Trắc tôi xin nhờ cụ Đô Trinh cùng Trắc tôi lãnh phần tiến ra phía trước. Còn Thánh Thiên, hãy cùng với Lê Chân cỡi chiến thuyền âm thầm tiến đánh mặt sau.

Thánh Thiên: Tuân lịnh!

Trưng Trắc ra lệnh: Nhị em, truyền lệnh xuất binh!

Trưng Nhị: Hỡi ba quân tướng sĩ, chủ tướng truyền lịnh xuất binh!

Tuân lịnh!

 

 

Màn 5: Trong Một Khu Rừng
(cạnh thành Liên Lâu)


Hai nghĩa binh áp giải Tào Uyên, Tào Uyên vừa đi vừa kêu khổ. Thấy không có ai trả lời, Tào Uyên đứng lại định cởi khăn bịt mắt thì bị quát ngăn lại:
Tào Uyên: Khổ cái thân tôi quá nè trời ơi
Nghĩa binh: Đứng im, cãi lệnh ta mở khăn bịt mắt một lần nữa ta khoét mắt nhà ngươi đó!

Tào Uyên: Dạ.

Nghĩa binh: Chủ tướng ta tha chết cho ngươi là may lắm rồi, biết chưa?

Tào Uyên: Dạ biết!

Nghĩa binh: Dân Nam ta thà chết chứ không bao giờ chịu nhục. Còn các ngươi, các ngươi thì có can đảm chịu nhục chứ rất sợ cái chết.

Tào Uyên: Đúng, đúng quá, bây giờ ngài nói thế nào tôi nghe cũng đúng hết. Đúng quá. Dạ. Dạ, thưa các ngài, chủ tướng rộng lượng tha chết cho tôi mà các ngài còn giận tôi, ...


Hai nghĩa quân lẳng lặng bỏ đi.

Tào Uyên vẫn tiếp tục nói luyên thuyên: … rồi các ngài giết tôi, các ngài bảo rằng tại tôi bỏ chạy mà các ngài giết, là oan uổng cái mạng kiến ruồi của tôi không?
Đó, tôi nói vậy ngài nghe đúng không? Đó, ngài nghe đúng không? Bởi vì không bao giờ tôi dám bỏ chạy. Dạ, khi nào các ngài tha tôi mới dám đi.
Dạ, thương tôi nhờ, ghét tôi chịu.
Dạ, dạ sao ạ? Dạ sao ?


Thấy im lặng, Tào Uyên giật vội khăn bịt mắt rồi vùng chạy, mắt nhắm mắt mở va ngay phải một người cũng đang chạy tới, cả hai cùng ngã nhào.

Tào Uyên tưởng là hai nghĩa binh vẫn đứng canh mình nên vừa lồm cồm bò dậy vừa van xin. Người kia cũng vừa đứng dậy vừa mắng Tào Uyên xối xả. Tào Uyên nhìn kĩ té ra là Chương Hầu. Chương Hầu cũng nhận ra Tào Uyên.
Tào Uyên: Ai da trời trời… trời ơi.., chết tui. Dạ trăm lạy ngài, ngàn lại các ngài. Các ngài, tha dùm cho tôi, bởi tôi tưởng các ngài tha tôi mới dám chạy như vậy. Dạ xin các ngài rộng lượng tha thứ dùm tôi

Chương Hầu: Hỏng có tha mày, mày xớn mày xác, mày nhắm con mắt mày chạy mày đụng, hỏng có tha mày. Đánh cho mày bỏ cái tật ẩu của mày, trời ơi đụng dập tim rồi trời, tại sao mày can đảm vậy mậy, hả,  đánh cho mày bỏ cái tật…
Tào Uyên: Tại sao đâm vào người tao quá mạng vậy? Hả? Đui hả? Con mắt nhà ngươi để đâu?

Chương Hầu: Bẩm ngài, con mắt của em để dưới chân mài.

Tào Uyên: Không lẽ để sau ót nhà ngươi, hớ.

Chương Hầu: Dạ bẩm quận thừa, nói vậy quận thừa chưa chết hả ? (1)

Tào Uyên: Ấy, cái gì, ta kị cái tiếng chết nhe.

Chương Hầu: hỏng có. Tôi tưởng ngài bị Trưng Trắc giết rồi chớ. Ngài nghĩ coi, nếu như ngài chết đi thì cái công của tôi thông báo tin tức cho ngài, giúp cho ngài bắt Thi Sách, rồi thỉnh thoảng lẻn về nói ra nói vào cho nản lòng ba quân tướng sĩ của Trưng Trắc thì ai biết cho tôi chứ ?

Tào Uyên: Mới vừa rồi ông trù ta chết rồi bây giờ ông kể công kể nghĩa nữa hả. Ông muốn cái gì?

Chương Hầu:  Chứ ngài nghĩ coi?

[Kim Tiền Bản]
Công của tôi bị ngài cướp đoạt,
nếu như ngài gặp bất chắc chi thì tôi biết phải đòi ai?

Tào Uyên: (Hừ,) con người của ông mở miệng ra luôn luôn đặt điều kiện.
Tôi cho ông biết, Trưng Trắc còn sống lâu,
ông ráng giữ cái mạng già của ông.

Chương Hầu: Nhưng theo luật đời có làm thì có hưởng thôi.
Tôi đây cam phận cúi lòn cũng chỉ vì một chút công danh.
Ngày tôi vừa mời gặp ông, ông cho tôi đây kẹt về phần mộ
bây giờ tôi hiểu ra, cái kẹt đó chính là vì ông.

Tào Uyên: Hồi mới gặp ông lần đầu, ta thấy ông mọp sát quá, ta biết ông là cái thứ thượng đội hạ đạp rồi. Bây giờ có lẽ là ông dựa vào cái thế lực nào ông mới dám trịch thượng với ta. Ông đừng quên ông là cái hạng hàng thần lơ láo. Bây giờ ông muốn cái gì? Muốn cái gì? Ông muốn cái gì? Muốn cái gì?


Tiếng của Tô Định từ xa: Chuyện gì?

Tào Uyên: Tô thái thú đến, ráng giữ hồn.


Tô Định đi đến.

Tào Uyên: Dạ, xin chào thái thú.

Chương Hầu chạy ra đứng sau lưng Tô Định.

Tô Định: Tào quận thừa, ông còn sống sót trở về đó à? Ta có lời mừng cho ông đó.

Tào Uyên: Cám ơn thái thú.


Chương Hầu khúm núm bóp vai cho Tô Định, Tô Định phẩy tay, Chương Hầu lủi đi mất.

Tô Định: Sao? Thế nào? Tào quận thừa đem ba tấc lưỡi làm tròn việc quốc gia đại sự rồi chứ?

Tào Uyên: Trưng Trắc không phải là người dễ khuất phục, mà nếu thái thú có tin tôi mới dám nói.

Tô Định: Cứ nói.

Tào Uyên: Trưng Trắc biết ghìm lòng giận dữ, nén cái sự đau thương. Trí sáng như Mặt Trời, Mặt Trăng, thì người đàn bà như thế đáng sợ lắm.

Tô Định (cười nhạt): Ta để ý nhiều đến Trưng Trắc rồi. Ta biết nó khôn khéo lắm, nhưng ta xem nó như là đàn ong lũ kiến. Tào quận thừa, ông vừa được chúng nó tha chết đã bắt đầu ca ngợi Trưng Trắc rồi hả?

Tào Uyên: Thái thú à

[Duyên Kì Ngộ]
Tôi biết ngài chẳng tin đâu, nhưng buộc lòng tôi phải nói
để không hổ với chức quận thừa, mà triều đình đã ủy thác.

Tô Định: Một mình ông có chức phận thôi à?

Tào Uyên: Tôi không trách ngài phái tôi đi
vào hang hùm cho hùm giết.
Nhưng nhờ có chuyến đi này
mà tôi như là người mù sáng mắt.

Tô Định: Sáng mắt để rồi nhát nhúa hơn,
chưa chi đã đội Trưng Trắc lên thờ.

Tào Uyên: (Thái thú,) ngài bị hạ bệ rồi
Mã Tắc lên thay mà ngài chưa hay,
Trưng Trắc hay tin đang định tiến quân kìa.

Tô Định: Ông nói đó lấy chi làm bằng?

Tào Uyên:  Mã Tắc vọng động triều đình thay thế cho ông.


 



Tô Định: Mã Tắc thay thế quyền ta? Thật như vậy không?

Tào Uyên: Thật.

Tô Định: Cũng có thể lắm chứ, cũng có thể lắm chứ

Tào Uyên: Chắc như vậy chứ có thể cái gì nữa. Mã Tắc thường chê bai ông là người nhát gan, đánh giặc chỉ biết thủ thành và rút chạy, không bao giờ dám tấn công.

Tô Định: Vì vậy đã nhiều lần nó bài bác mưu kế của ta.

Tào Uyên: Mã Tắc còn nói, ngày nào binh quyền y nắm ở trong tay của y đó, chỉ trong một trận thôi, y đánh tan quân của Trưng Trắc

Tô Định: Nó nghĩ như thế? Nó muốn chiếm đoạt cái chức thái thú này? Được rồi, ta sẽ cấp cho nó năm ngàn quân kị mã, và buộc nó phải đánh vào trại dinh của Trưng Trắc. Nếu thất trận, ta chém đầu nó ngay tức khắc.

Tào Uyên: Ngài cấp cho Mã Tắc năm ngàn quân kị mã, nếu ngài làm như vậy tôi e ngài sẽ giúp cho Mã Tắc thêm vây cánh.

Tô Định: Ta sẽ cấp cho nó năm ngàn con ngựa què, với năm ngàn quân ốm đói bệnh hoạn, và buộc nó phải chiếm cho được trại của Trưng Trắc, nếu không ta chém đầu nó ngay.

Tào Uyên: Hay, hay quá, cái kế của ngài thật hay! Đại tài! Đại tài!

Tô Định: Phần của ông, phải tìm cho ta đủ số năm ngàn con ngựa què, với năm ngàn quân ốm đói bệnh hoạn. Nếu không đủ số, trước khi ta mất chức là cái đầu của ông rơi xuống, ông hiểu chưa?

Tào Uyên: Dạ bẩm thái thú ....

Tô Định: Im! Thi hành quân lịnh!

Tào Uyên: Tuân lịnh! Tuận lịnh, tuận lịnh…..

Tô Định bỏ đi, còn lại Tào Uyên đứng lại vò đầu bứt tai tìm cách.

Tào Uyên: Tìm năm ngàn quân ốm đói, kiếm năm ngàn con ngựa què. Kiếm ở đâu có? Năm ngàn quân ốm đói có thể tìm được, cho chúng nó nhịn đói một tháng, ốm nhom. Năm ngàn con ngựa què tìm ở đâu ra?  Ờ, thái thú này ác thiệt.


Tào Uyên chợt nghĩ ra một "cách": Ờ, … à, được rồi, bây đâu, đem bầy ngựa ra cắt nhượng hết cho ta!

Có tiếng ngựa hí, quân Hán đem bầy ngựa ra cắt nhượng chân !!!

 

 

Màn 6 - Thành Liên Lâu

 

Cảnh 1


Nghĩa quân ầm ầm tiến đánh, quân Hán bỏ chạy tán loạn.

Một tên quân chạy về báo tin: Thậm nguy! Thậm nguy! Thậm nguy!

Mã Tắc: Cái gì đó?

Tên quân: Đội quân trên núi Chè đã bị tiêu diệt.

Mã Tắc: Còn kỵ binh của ta đâu?

Tên quân: Đám ngựa què cà nhắc chạy không kịp bị một bầy voi lùa.

Mã Tắc: Lui

Tô Định, Tào Uyên, Chương Hầu chạy ra.  

Mã Tắc: Bẩm thái thú, Trưng Trắc đang cưỡi voi cùng với đoàn nam nữ nghĩa binh đang tiến về mặt bắc thành Liên Lâu.

Tô Định: Mã đô úy, đem năm ngàn quân kỵ mã đánh vào trại của Trưng Trắc! Mau lên!

Mã Tắc: Bẩm thái thú, ngựa què quân đói đã bỏ trốn hết rồi, còn có một mình tôi làm sao có thể ngăn cản được đàn voi của Trưng Trắc.

Tô Định: Mã đô úy bất tuân thượng lệnh à, truyền lịnh chém đầu.

Chương Hầu: Tuân lịnh!


Chương Hầu rút gươm định chém Mã Tắc, bị Mã Tắc trừng mắt lên nhìn, bủn rủn tay chân.

Chương Hầu: Dạ bẩm ngài, dạ chém ai ?

Mã Tắc: Nếu chém đầu thì ngài hãy chém đầu tên Tào Uyên này, vì hắn đã đầu hàng Trưng Trắc và khất nhượng cả đàn chiến mã của ta.

Tô Định: Ngươi đã đầu hàng Trưng Trắc rồi phải không?

Tào Uyên lắp bắp: hả hả, đâu có.

Tô Định: Vậy thì ta chém đầu cả hai, luôn cả gã người Nam này nữa.
Chương Hầu: Dạ bẩm ngài dạ tội,…
Tào Uyên: Dạ bẩm thái thú, chúng ta lầm mưu Trưng Trắc mãi giết hại lẫn nhau để cho nó dễ bề chiếm lấy thành trì.

Mã Tắc: Nếu thành trì để lọt về tay của Trưng Trắc thì sinh mạng của ông cũng không còn sống sót, ông biết chưa.

Chương Hầu: Dạ, mà tôi cũng không còn đất để dung thân nữa ngài.

Tô Định: Các người nói nghe rất đúng. Được rồi, Mã đô úy, ngăn mặt thành phía đông, dùng hỏa công chận phá đàn voi.

Mã Tắc: Tuân lịnh!

Tô Định: Tào quận thừa, ngăn mặt thành phía bắc, dùng cung sắt tên đồng cố thủ.

Tào Uyên: Tuân lịnh!

Tào Uyên
chợt quay lại hỏi: Dạ, bẩm thái thú, còn phía mạn sông Dâu?

Tô Định: Sông Dâu là hào sâu hiểm trở, một toán quân nhỏ thôi cũng bảo vệ được chu toàn. Huống chi ta biết Trưng Trắc không có chiến thuyền, đừng phân tán mỏng mà sa vào kế giặc.


Chợt có tiếng quân reo, một tên quân Hán chạy vào báo: Dạ bẩm thái thú, mặt sông Dâu thấy đèn đuốc sáng trời, trống chiêng khua dậy đất.

Tào Uyên: Có độ bao nhiêu quân?

Tên quân Hán: Dạ, không thấy nên không biết, chỉ thấy tiếng quân la.

Tô Định cười lớn: Đó là kế nghi binh, giương đông kích tây, làm sao gạt ta nổi. Tào quận thừa, thi hành quân lịnh!

Tào Uyên: Tuân lịnh!

Tô Định: Chương Hầu, dẫn Thi Sách đến đây!
Chương Hầu: Tuân lịnh

Chương Hầu đưa Thi Sách đến.

Chương Hầu: Bẩm Tô thái thú, Thi tướng quân vâng lịnh ứng hầu.

Thi Sách: Câm miệng lại! Ta bị bắt, các ngươi muốn làm gì cứ làm, chứ ta không vâng lịnh ai cả!
Chương Hầu: Làm cái gì dữ vậy
Tô Định: Thi Sách, ngươi hãy mau truyền lệnh cho Trưng Trắc giải giáp lui binh quy thuận thiên triều, ngươi sẽ được quyền cao chức trọng, bằng cãi lời thì ngươi khó bảo tồn tánh mạng.

Thi Sách: Bảo tồn tánh mạng? Ha ha ha ha ha

Tô Định: Đừng ngạo mạn, thái độ ngạo mạn đó không giữ nỗi mạng của ngươi đâu.

Chương Hầu: Ông Thi Sách, bậc thức giả phải biết lựa thời thế. Thời thế đã thế này mà ông còn ương ngạnh mãi sao? Tô thái thú là người rộng lượng bao dung không sát hại những kẻ theo hàng, ông nên nghe tôi mà …

Thi Sách: Thôi hãy câm đi hỡi tên manh tâm theo giặc phản bội quê hương giết hại giống…. nòi.

[Xàng Xê, lớp Hò]
Mi đã quá nửa đời người mà không biết chi là liêm sỉ.
Đối với lũ ngoại bang mi lại xem như là cha mẹ.
Mà mi còn hòng dở cái giọng thức giả tao nhân.
Chương Hầu: Chửi em quá kìa thái thú

Mi không biết chi là liêm sỉ,
theo phường lang sói bày trò bán nước buôn dân.

Chương Hầu: Ông Thi Sách,
Sống chết của ông chỉ còn trong tấc gang.
Tôi khuyên ông hãy bình tâm mà cân nhắc thiệt hơn.
Con người sanh ra đâu phải để vùi thân dưới mộ,
huống chi sống bây giờ là phú quý vinh hoa.

Tô Định: Thi Sách, Hùm thiêng một khi đã thất thế sa cơ
biết lẽ tới lui để mà giữ gìn sanh mạng.

Thi Sách:  Giữ gìn sinh mạng à?
Với ta thì trước sau sau trước chỉ một lòng,
không hổ với đất trời, cũng không thẹn mặt với non sông.
Là tướng nhà Nam, ta thề chết vinh hơn sống nhục.
Mi khỏi lắm lời khuyến dụ cho uổng công.

Tô Định: Thi Sách, Trưng Trắc không chịu lui quân thì đầu của nhà ngươi sẽ lìa khỏi cổ.

Thi Sách: Đầu ta rơi, nhưng máu vẫn trào tuôn uất hận. Ta ngã gục, sẽ có hàng vạn kẻ khác vùng lên.

Tô Định: Ta sẽ băm nhà ngươi ra làm muôn vạn mảnh.

Thi Sách: Nhưng hồn dân Nam vẫn mãi mãi trường tồn.

Tô Định rút gươm: Ngươi muốn chết?

Tào Uyên chạy vào: Khoan, chớ hạ thủ, chớ hạ thủ.

Tô Định: Tại sao?

Tào Uyên: Chiến thuyền Trưng Trắc bao kín mạn sông Dâu.

Thi Sách (cười lớn): Hả, bao kín mạn sông Dâu, ha ha ha ha ha, phu nhân, phu nhân ta tài lắm!


Tào Uyên: Thái thú, tôi muốn nói riêng với ngài.


Tào Uyên ghé tai nói nhỏ với Tô Định vài câu.

Tô Định: Chương Hầu, đưa Thi Sách lên mặt  thành, chuẩn bị ngay dàn hỏa cho ta, mau.

Chương Hầu: Tuân lịnh!

Tô Định: Tào quận thừa, ta vào thành cố thủ.

 

 

Cảnh 2


Từ mạn sông Dâu, Thánh Thiên và Lê Chân dẫn quân đánh úp thành Liên Lâu.

Thánh Thiên: Hỡi nghĩa binh! Hãy tiến lên đoạt thành cứu chủ tướng!

Nhưng quân Hán đã kịp rút toàn bộ vào thành cố thủ.

Tô Định: Ta truyền lệnh cho tất cả hãy dừng lại! Tiến thêm một bước nữa, ta sẽ giết ngay Thi Sách. Mau truyền lệnh của ta đến Trưng Trắc, chịu giải giáp lui binh quy thuận thiên triều, ta sẽ thả Thi Sách và ban cho nhiều bạc vàng châu báu. Bằng trái lệnh, Thi Sách sẽ bị hỏa thiêu ngay tức khắc.
Lệnh truyền ba quân tướng sĩ, cấm các ngươi xuất trận khi chưa có lệnh ta!

Thánh Thiên:Tướng quân, Thi tướng quân.

[Nam Ai, lớp Mái]
Thôi rồi,
Nhiệm vụ khó chu toàn,
nhìn giặc khóa cổng thành,
lòng cảm thấy xốn xang.
Thánh Thiên đâu ngại hi sinh,
nhưng không cứu được tướng quân.
Ngửa mặt hổ với trời,
nhìn đất lại xốn xang.

Lê Chân: Ai không hiểu lòng nhi nữ?
Tội chi dằn vặt thân mình.
Tuy việc chúng ta không thành,
nhưng nào phải lỗi tại ta?

Thánh Thiên: Thi tướng quân lên giàn hỏa mà tôi nóng cháy cả tim này.

Lê Chân: Thánh Thiên ơi hào khí của Thi tướng quân bốc cao vạn trượng,
Lê Chân cũng rất hổ thẹn không có mưu chước vẹn toàn để cứu bạn mà khỏi gây cảnh nát ngọc tan …vàng.

[Vọng Cổ, câu 5]
Ôi hai tiếng "Hi Sinh" nghe sao nát buốt can trường!
Là nghĩa binh ta không bao giờ sợ chết,
nhưng cũng se lòng khi đồng đội hi sinh. (SL)
Rồi đây chỉ trong khoảnh khắc nữa thôi,
sào huyệt của giặc nhất định sẽ bị cháy tan trong lửa đỏ.
Khí kiêu dũng của Thi tướng quân sẽ được nghĩa binh kính phục và gương hi sinh sẽ chói rạng muôn đời. (SL)

 

 

Cảnh 3


Trưng Trắc dẫn đại quân đến vây thành Liên Lâu.

Thánh Thiên: Bẩm chủ tướng, giặc án binh bất động, chủ tướng định liệu lẽ nào ?

Trưng Trắc: Giặc án binh bất động, ta có thì giờ chuẩn bị tấn công.

Lê Chân: Kính thưa chủ tướng, Thi tướng quân bị chúng đưa lên giàn hỏa, nếu ta tấn công thì ...

Trưng Trắc: Ta đã biết rồi.

Trưng Trắc
hô lớn: Hỡi tất cả nghĩa binh, ta có còn được anh em tín nhiệm nữa không?

Toàn quân: Tín nhiệm, tín nhiệm, …

Cụ Đô Trinh: Sao bỗng không chủ tướng lại hỏi câu như vậy?

Trưng Trắc: Ta hỏi như vậy là để nhắc nhở pháp lệnh phải nghiêm minh.
Cụ Đô Trinh đem trống đồng đến đây.

Cụ Đô Trinh: (Trống Đồng). Xin Tuân lệnh.



Trưng Trắc: Trưng Nhị, Đông Bảng, lo hương đăng vọng một bàn hương án.  Lê Chân, tìm giúp tôi một thước khăn tang.

Thánh Thiên: Trời …

Lê Chân: Chủ tướng ...

Trưng Trắc: Đừng để ta nhắc đến pháp lịnh, thi hành ngay đi.

Lê Chân: Vâng.

Thánh Thiên: Thưa chủ tướng, hình như chủ tướng sắp ban một quyết định quan trọng?

Trưng Trắc: Phải, ta muốn tế sống Thi tướng quân trước khi khởi tấn công.


Nghĩa quân khiêng trống đồng và bày hương án.

Trưng Trắc (cầm nén hương):
Hỡi phu tướng, Cách tường thành phu tướng không thể nào thấy được.
Nhưng tâm linh chàng ắt sẽ cảm thông.
Nay thiếp vọng bàn thờ trước ngưỡng cửa Liên Lâu thành,
Hương khói nhạt xin chàng chứng giám.


Trưng Trắc (bước lên cắm nén hương, tiếp tục):
Nhớ năm xưa chúng ta hiệp cẩn,
Đã lạy nhau ba lạy để vầy cuộc trăm năm,
Thời gian qua thiếp chưa từng lỗi đạo vợ hiền,
Chàng cũng vẹn nghĩa tình phu tướng.
Chàng với thiếp cùng chung chí hướng,
Vai kề vai gánh nặng non sông.
Nhưng hỡi ơi chí tang bồng nay chưa kịp thỏa
Thì đường âm dương cách trở lành lạnh áng mây sầu.

[Vọng Cổ, câu 4]
Thiếp xin được quấn vành khăn tang trắng lên đầu,
Lạy thứ nhất thiếp xin tạ tội,
vì không đủ tài cứu nổi phu quân. (SL)
Lạy thứ hai thiếp mong được thứ tha vì đau lòng tế sống người bạn trăm năm chăn gối.
Ôi trời Liên Lâu chưa tan hồi trống trận,
mà đất Mê Linh nay hoa lá vội vương sầu. (SL)

Trưng Trắc
(rút gươm, nhìn thanh gươm khẽ nói:)
Thi tướng quân, Thi tướng quân, Thi tướng quân …

Bóng Thi Sách hiện ra trong tâm trí Trưng Trắc.

Thi Sách:Phu nhân,

[Vọng Cổ, câu 5]
Phu nhân ơi khăn trắng đêm này sẽ làm trắng canh tâm sự thì ba lạy tạ từ của phu nhân cũng đã tròn tình vẹn nghĩa.
Đứng trên giàn hỏa ta nguyện làm mồi cho lửa đỏ để bao người chiến sĩ hiên ngang không chậm bước oai hùng.
Lần gặp nhau đây là lần gặp gỡ sau cùng.
Ta cám ơn tất cả đã tạm đình binh để bảo toàn mạng sống cho ta (SL)
dầu chỉ trong giây phút ngắn ngủi.
Nhưng nàng hãy ra lệnh cho nghĩa binh anh dũng hãy nổi trống đồng đi!
Hãy nổi trống tấn công đi!
Hãy tấn công trong tiếng cười ngạo nghễ để đưa tiễn hồn ta đi theo tiếng trống oai hùng! (SL)


Trưng Trắc vẫn trầm ngâm, Thi Sách (quắc mắt):
Kìa, phu nhân, tại sao phu nhân còn do dự?
À, hay là phu nhân đã quên những lời trong đêm giã biệt?

Trưng Trắc (ngâm):
"Gươm báu khắc sâu lời nguyện ước,
Quên mình rửa sạch mối thù chung
".

Thi Sách:
[Vọng Cổ, câu 6]
Hay lắm, "Quên mình rửa sạch mối thù chung"
Phu nhân ơi đó là lời mà vợ chồng ta thường nói.
Vậy thì phu nhân còn chần chờ gì nữa chớ?
Chần chờ chi mà không nêu tấm gương sáng đó để cho ngàn sau hậu thế soi cùng? (SL)
Sống - thác là chuyện đi – về,
Hợp - tan là trò dâu biển.
Tất cả đều không đáng kể.
Mà chuyện đáng lo là sự trường tồn của dòng dõi Hùng Vương. (SL)


Bóng Thi Sách mờ dần, Trưng Trắc quay lại với thực tại, khẽ nói:
Thi Tướng quân, Thi Tướng quân, …

Trưng Trắc tra kiếm vào vỏ, gỡ vành khăn tang rồi dõng dạc ra lệnh:
Hỡi ba quân tướng sĩ.
Ta đã làm tròn đạo nghĩa vợ chồng.
Giờ ta ra lệnh tấn công,
dầu phải hi sinh phu tướng.

Trưng Nhị: Chủ tướng ...


Trưng Trắc tiến lại phía chiếc trống đồng cầm dùi trống lên.

Trưng Trắc (quay mặt về phía thành Liên Lâu): Phu tướng, xin chàng… hiểu.. nỗi lòng …của… thiếp!

Trưng Trắc giơ dùi trống lên định giáng xuống nhưng chợt ngừng lại,

Trưng Nhị (có lẽ không thể chịu được cảnh đau lòng của Trưng Trắc): Lạy chị, cho em được nổi trống tấn công!


Trưng Trắc kiên quyết đánh liền ba tiếng trống đồng, sau đó vung cao thanh gươm, thét lớn:

Truyền Tấn Công!


Cụ Đô Trinh tiếp tục đánh thêm một hồi trống nữa rồi trao dùi trống cho một nghĩa binh, rút gươm ra xông lên, toàn bộ nghĩa quân tấn công thành Liên Lâu trong tiếng trống đồng giục giã.

 

 

Cảnh 4


Quân ta tiến công thành Liên Lâu,

Đông Bản đánh với Mã Tắc. Sau một hồi kịch chiến, Đông Bảng dùng một đường đao hiểm đâm ngược lại trúng ngực, giết chết Mã Tắc.

Quân ta dần dần đánh lui quân Hán.

Tô Định đội nón lá, mặc áo đơn, giả dạng dân thường cuống cuồng bỏ chạy thì va phải Chương Hầu, cả hai cùng ngã nhào. Chương Hầu bò dậy, cầm một cái búa dài nhứ nhứ định chém người va phải mình thì nhận ra Tô Định.

Chương Hầu: Thái thú. Thái thú

Tô Định: Chương Hầu, ha ha,  Chương Hầu.

 

Chương Hầu; Thái thú đừng giỡn như vậy, đau

 

Tô Định: chương Hầu Đừng gọi, đừng gọi ta thái thú nữa.

Chương Hầu: Sao vậy?

Tô Định: Chạy trốn, gọi người ta biết sao?

Chương Hầu: Chạy trốn không kêu thái thú nữa? Chạy trốn đâu thái thú?

Tô Định: Nè, Ta đã đào sẵn ống cống trước cửa thành. Bây giờ ta với nhà ngươi chung ống cống thành thoát thân.

Chương Hầu: Ngài cho em chung ống cống với ngài? Mình chung ống cống, vậy mình thuộc loài chuột rồi ngài.

Tô Định: Túng thế phải tùng quyền.

Chương Hầu: Túng thế tùng quyền?

Tô Định: Chương Hầu,

Chương Hầu: Dạ.

Tô Định: Chương Hầu đi trước rồi ta đi sau.


Chương Hầu lom khom đi vài bước bỗng dừng lại.

Chương Hầu: Mà không thấy ống cống à. Thái thú, không thấy ống cống ...

Thấy Chương Hầu lề mề chậm chạp, Tô Định sốt ruột cầm dao đâm thẳng vào sườn Chương Hầu rồi lủi đi mất.

Chương Hầu khụy xuống, cái búa cầm trên tay bị gãy gập.

Chương Hầu cầm cái búa gãy than: Trời, làm sao trả thù, búa ơi, búa, ...

Chương Hầu rút gươm ra định phóng theo Tô Định nhưng không đủ sức, gục xuống chết.

 

Quân Hán bị quét sạch.

Cụ Đô Trinh: Dạ bẩm chủ tướng, quân ta đã chiếm thành, mở ngục thả hết những người bị chúng bắt.

Trưng Nhị: Bẩm chủ tướng, em đã giết được Tào Uyên. Riêng Tô Định đã chui ống cống thành trốn thoát.

Trưng Trắc:
Đã quét quân thù sạch cõi, nối liền một dãi non sông.
Hãy đốt thành tro mọi sắc cờ quân xâm lược.


Chiếc trống đồng được khiêng đến

Trưng Trắc: Hãy nổi trống đồng, cho con cháu ngàn sau tiếp nối hồn thiêng giống nòi bất khuất.

Cụ Đô Trinh gióng một hồi trống dài.

Trưng Trắc vung cao thanh gươm, hô lớn:

Đất nước Nam độc lập muôn đời

Hết

 

Bot